Đức: Theo BBC, Luật NetzDG (Luật thực thi mạng) hay còn gọi là Luật kiểm soát Facebook của Đức có hiệu lực vào đầu năm 2018, áp dụng đối với các công ty có hơn 2 triệu người dùng đã đăng ký ở nước này. Họ buộc phải thiết lập các thủ tục để xem xét các khiếu nại về nội dung mà mình đang lưu trữ, xóa bất kỳ thứ gì rõ ràng là bất hợp pháp trong vòng 24 giờ và có trách nhiệm báo cáo cập nhật 6 tháng một lần về cách họ đang vận hành, nếu trong năm có hơn 100 lần khiếu nại về nội dung vi phạm pháp luật, và phải công bố báo cáo ấy trên Bundesanzeiger (trang thông báo Liên bang) và trang nhà của mình, muộn nhất là 1 tháng sau khi hết hạn nửa năm. Các cá nhân có thể bị phạt tới 5 triệu euro (5,6 triệu USD), trong khi các pháp nhân có thể bị phạt lên đến 50 triệu euro nếu không tuân thủ các yêu cầu trên.
Tháng 7.2019, Chính phủ Đức đã ban hành án phạt đầu tiên theo luật mới đối với Facebook. Mạng xã hội này đã phải trả 2 triệu euro (2,24 triệu USD) vì báo cáo thiếu nhiều hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng của mình ở Đức, mặc dù công ty phàn nàn rằng luật mới thiếu rõ ràng.
Liên minh châu Âu: EU đang xem xét một biện pháp trấn áp cứng rắn, đặc biệt là đối với các video có nội dung khủng bố được lan truyền trên các mạng truyền thông xã hội. Các nền tảng này sẽ phải đối mặt với tiền phạt nếu họ không xóa những nội dung cực đoan trong vòng một giờ. Khối liên minh lá cờ xanh cũng đã ban hành luật quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) đặt ra các quy tắc về cách các công ty, bao gồm các nền tảng truyền thông xã hội, lưu trữ và sử dụng dữ liệu của mọi người. Khối cũng tăng cường hành động để bảo vệ bản quyền, cụ thể là chỉ thị bản quyền của EU đặt ra trách nhiệm cho các nền tảng trên phải bảo đảm rằng nội dung vi phạm bản quyền không được lưu trữ trên các trang web của họ. Các luật trước đây chỉ yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ nội dung đó nếu họ được báo về điều này. Được biết, các quốc gia thành viên có thời hạn muộn nhất trong năm 2021 phải thực hiện đưa chỉ thị trên vào luật quốc gia của họ.
Australia: Đất nước chuột túi đã thông qua Luật Chống chia sẻ tài liệu bạo lực vào năm 2019, đưa ra các hình phạt hình sự đối với các công ty truyền thông xã hội, trong đó các giám đốc điều hành công nghệ có thể đối mặt với án tù lên tới 3 năm và các nền tảng có thể bị phạt tài chính lên tới 10% doanh thu toàn cầu của công ty. Thực tế, luật trên được Australia gấp rút đưa vào sau vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand được phát trực tiếp trên Facebook, gây bàng hoàng cả thế giới vào năm 2019.
Trước đó, vào năm 2015, Luật Tăng cường an toàn trực tuyến đã thành lập Văn phòng Ủy viên An toàn Điện tử (eSafety) với quyền yêu cầu các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ các bài đăng quấy rối hoặc lăng mạ. Đến năm 2018, quyền hạn trên đã được mở rộng để bao gồm cả các bài đăng có nội dung “khiêu dâm trả thù”, nghĩa là việc đăng tải trực tuyến các video hoặc ảnh khiêu dâm, thường là của người yêu cũ mà không có sự đồng ý của đối tượng và với ý định làm họ xấu hổ hoặc làm nhục.
Văn phòng Ủy viên eSafety có thể đưa ra “thông báo gỡ xuống” trong vòng 48 giờ cho các công ty, nếu không sẽ phải nộp phạt lên tới 525.000 AUD. Ngoài ra, văn phòng cũng có thể phạt các cá nhân lên tới 105.000 AUD cho việc đăng các nội dung kể trên.
Luật này được đưa ra sau cái chết của cô Charlotte Dawson, người dẫn chương trình truyền hình và là giám khảo chương trình Australia's Next Top Model, người đã tự sát vào năm 2014 sau một chiến dịch bắt nạt trên mạng nhằm vào cô trên Twitter. Cô vốn có tiền sử trầm cảm từ lâu.
Nga: Tháng 11 năm ngoái, một luật mới bắt đầu có hiệu lực ở Nga, cho phép các nhà quản lý có quyền ngắt các nối với mạng toàn cầu “trong trường hợp khẩn cấp”. Trước đó, các luật về dữ liệu của Nga từ năm 2015 đã yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào về người Nga trên các máy chủ trong nước. Cơ quan giám sát truyền thông của xứ sở Bạch Dương đã chặn LinkedIn và phạt Facebook lẫn Twitter vì không nói rõ về cách thực thi yêu cầu trên.
Trung Quốc: Các trang như Twitter, Facebook, Google hay WhatsApp đều bị chặn ở Trung Quốc. Thay vào đó, các dịch vụ tương tự như họ được cung cấp bởi các nhà cung cấp Trung Quốc như Weibo, Baidu và WeChat.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng có một số thành công trong việc hạn chế quyền truy cập vào các mạng riêng trực tuyến mà một số người dùng đã sử dụng để vượt qua các lệnh chặn trên các trang web. Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc vào cuối tháng 1.2019 thông báo: trong 6 tháng trước đó, họ đã đóng cửa 733 trang web và “dọn dẹp” 9.382 ứng dụng di động như cờ bạc bất hợp pháp… Đất nước gấu trúc có hàng trăm nghìn cảnh sát mạng, những người giám sát các nền tảng mạng xã hội và sàng lọc những tin nhắn được cho là nhạy cảm về chính trị, xã hội…
Hồi tháng 2.2020, lúc đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh đầu tiên gây hoang mang dư luật, Cơ quan quản lý Internet Trung Quốc đã phải thắt chặt kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch gieo rắc nỗi sợ hãi và nhầm lẫn giữa cuộc khủng hoảng virus Corona chủng mới. Cơ quan quản lý yêu cầu các nền tảng Internet và chính quyền địa phương phải “tạo ra một môi trường không gian mạng tốt để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh”.