Trung Quốc: Hướng tới quốc gia sở hữu trí tuệ mạnh mẽ
Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện bước đi mới nhằm hướng tới mục tiêu chiến lược là tự cường về công nghệ, bằng cách công bố kế hoạch táo bạo trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2035. Trong bản kế hoạch chi tiết có tiêu đề Hướng dẫn xây dựng một quốc gia sở hữu trí tuệ mạnh mẽ (2021 - 2035), các nhà lãnh đạo cho biết, đến năm 2025, họ muốn “các ngành sử dụng nhiều bằng sáng chế” và ngành bản quyền chiếm tương ứng tỷ lệ cao trong GDP của đất nước.
Kế hoạch 15 năm nhằm tăng cường xây dựng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách tăng tốc luật về quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực và hình thức kinh doanh mới, chẳng hạn như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), thuật toán và công nghệ di truyền. Các nhà phân tích cho rằng, bản kế hoạch chi tiết sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đổi mới cho các doanh nghiệp, cũng như hệ thống pháp luật cho các ngành công nghiệp mới nổi.
Đổi mới là động lực chính để phát triển và vai trò của các quyền sở hữu trí tuệ như nguồn lực chiến lược cho sự phát triển quốc gia và yếu tố cốt lõi của năng lực cạnh tranh quốc tế, theo kế hoạch. Đến năm 2025, giá trị gia tăng của các ngành sử dụng nhiều bằng sáng chế dự kiến sẽ tương đương với 13% GDP của Trung Quốc và của ngành bản quyền là 7,5%. Kế hoạch do Quốc vụ viện và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra cũng cho hay, xuất khẩu và nhập khẩu quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc sẽ đạt 350 tỷ nhân dân tệ (54 tỷ USD) vào năm 2025, với số lượng bằng sáng chế “giá trị cao” tăng lên 12 bằng sáng chế/10.000 người. Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại hàng năm của tiền bản quyền sẽ đạt 350 tỷ Nhân dân tệ (54,1 tỷ USD). Mười năm sau, đến năm 2035, năng lực cạnh tranh toàn diện của các quyền sở hữu trí tuệ Trung Quốc sẽ đứng trong hàng đầu thế giới, theo kế hoạch.
Trung Quốc cũng sẽ xây dựng và sửa đổi các luật và quy định về tăng cường bảo vệ bí mật kinh doanh, cải thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ, chống các hành vi độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý còn cố gắng bảo vệ các công nghệ hàng đầu trong nước không bị đánh cắp hoặc rò rỉ ra nước ngoài. Trung Quốc sẽ đẩy nhanh pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong các công nghệ mới, các ngành công nghiệp mới, các hình thức kinh doanh mới và các mô hình mới, đồng thời sẽ cải thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên internet và mã nguồn mở…
Vương quốc Anh: cải cách quy định đối với thời đại trí tuệ nhân tạo
Trong bối cảnh nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng ngày một nhiều, đầu tháng 10 này, Chính phủ Anh đang phấn đấu đề xuất một số thay đổi đối với luật sở hữu trí tuệ trước cuối năm nay, bên cạnh việc xem xét tiến hành đại tu về cách tiếp cận điều chỉnh AI.
Chi tiết về các vấn đề này đã được nêu ra trong chiến lược AI quốc gia được công bố gần đây. Chiến lược dựa trên ba giả định: Trước hết, sự tiến bộ, khả năng khám phá và lợi thế chiến lược trong AI phụ thuộc vào quyền truy cập vào con người, dữ liệu, máy tính và tài chính. Thứ hai, AI “sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong phần lớn nền kinh tế” và hành động nói trên của Chính phủ là cần thiết để bảo đảm mọi lĩnh vực và khu vực của Vương quốc Anh đều được hưởng lợi từ đó. Thứ ba, các cơ quan quản lý và điều tiết của xứ sở sương mù cần phải “bắt kịp với những nhu cầu thay đổi nhanh chóng của AI”.
Liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, Chính phủ xác nhận sẽ chính thức tham vấn về những thay đổi có thể có đối với luật bản quyền và bằng sáng chế của Vương quốc Anh vào cuối năm nay, để đất nước có thể “khai thác các cơ hội của AI nhằm hỗ trợ hơn nữa sự đổi mới và sáng tạo”. Đạo luật Sáng chế 1977 sẽ được cập nhật để hiện thực hóa việc nhận bằng sáng chế cho một phát minh do AI tạo ra ở Anh.
Brazil: Quy tắc cấp phép bắt buộc mới cho bằng sáng chế
Hiện nay, Quốc hội Brazil đang xem xét một dự luật liên quan đến việc cấp phép bắt buộc bằng sáng chế trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia, quốc tế hoặc lợi ích công cộng, hay thiên tai quốc gia. Thay đổi chính của dự luật là việc thiết lập quy trình cấp phép bắt buộc gồm hai bước:
Giai đoạn đầu: Chính phủ phải công bố, trong vòng 30 ngày kể từ ngày tuyên bố tình trạng khẩn cấp, danh sách các bằng sáng chế hoặc đơn đăng ký sáng chế liên quan đến các sản phẩm và quy trình thiết yếu có thể giúp khắc phục tình trạng đó..
Giai đoạn thứ hai: sau khi công bố danh sách nói trên, Chính phủ sẽ có thời hạn 30 ngày, có thể gia hạn trong cùng khoảng thời gian, để phân tích các phát minh và mô hình hữu ích có trong các bằng sáng chế và đơn đăng ký sáng chế được liệt kê. Các giấy phép bắt buộc sau đó sẽ được cấp, mặc nhiên, trong một khoảng thời gian cụ thể và trên cơ sở không độc quyền, nhưng chỉ cho những trường hợp hữu ích khi năng lực kinh tế và kỹ thuật để sản xuất đối tượng của bằng sáng chế đã được chứng minh. Giấy phép bắt buộc cũng có thể được cấp để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia không có đủ hoặc không có năng lực sản xuất trong lĩnh vực dược phẩm.
Chủ sở hữu sáng chế sẽ nhận được khoản thù lao tương ứng với 1,5% giá bán ròng của sản phẩm được cấp bằng sáng chế, nhưng chỉ khi đơn đăng ký sáng chế được cấp. Hơn nữa, việc thanh toán tiền bản quyền nói trên, tương ứng với toàn bộthời hạn của giấy phép, chỉ được thực hiện sau khi cấp bằng sáng chế.
Ấn Độ: Giảm 80% phí cấp bằng sáng chế để thúc đẩy sáng tạo
Tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Ấn Độ thông báo giảm 80% phí cho các cơ sở giáo dục ở Ấn Độ và nước ngoài đăng ký bằng sáng chế ở Ấn Độ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đồng thời khuyến khích nhiều hợp tác trong ngành và trường đại học hơn. Động thái trên giúp Ấn Độ cạnh tranh toàn cầu trong việc phát triển nghiên cứu thành các đổi mới được cấp bằng sáng chế.
Theo Bộ, việc giảm phí, bao gồm phí bảo vệ bằng sáng chế và truy tố trong trường hợp vi phạm, sẽ áp dụng cho tất cả các cơ sở giáo dục được công nhận cho dù thuộc sở hữu của Chính phủ, hỗ trợ của Chính phủ hay tư nhân và không phân biệt các cơ sở này nằm ở Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Theo báo cáo về chế độ quyền sở hữu trí tuệ của Ấn Độ do Ủy ban Thường vụ về Thương mại của Thượng viện, Rajya Sabha, công bố vào tháng 7, khoảng 2/3 số bằng sáng chế được nộp ở Ấn Độ là của các tổ chức không cư trú hoặc nước ngoài, điều này cho thấy các thực thể Ấn Độ như các trường đại học và học viện công nghệ có thể bị cản trở bởi chi phí cao. Việc cắt giảm lệ phí có nghĩa là các trường đại học và học viện công nghệ sẽ trả lệ phí tương tự như một cá nhân, một công ty khởi nghiệp hoặc một tổ chức nhỏ.