Những ngày qua, số ca F0 trên cả nước tăng cao khiến nhu cầu xét nghiệm Covid-19 cũng tăng lên. Điều này làm cho thị trường kit test nhanh đã có lúc xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất. Không ai khác người dân là đối tượng phải gánh chịu từ hệ lụy này.
Thực trạng này đã được Ủy ban Pháp luật chỉ rõ trong báo cáo gửi Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách (từ ngày 7.2.2022 - 24.2.2022). Theo đó, nhận định về tình trạng gom hàng dẫn đến khan hiếm, tăng giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19, Ủy ban Pháp luật cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch, nhu cầu về mặt hàng kit test nhanh Covid-19 đã gia tăng đột biến trong khi chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả.
“Dư luận cho rằng dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng các bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 của người dân theo dự báo sẽ còn tăng cao và kéo dài. Trong khi đó, hiện nay, hơn 95% ca nhiễm Covid-19 được điều trị tại nhà và người bệnh phải tự lo mọi khoản chi phí điều trị trong đó có chi phí xét nghiệm, đây là gánh nặng lớn đối với người dân”, Ủy ban Pháp luật nhận định.
Để không tạo “gánh nặng” cho người dân trong tình hình dịch bệnh, Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như: thuốc điều trị, kit xét nghiệm nhanh, máy đo nồng độ oxy máu,… nhằm góp phần chấm dứt tình trạng “loạn” giá các mặt hàng này và bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Trong khi đó, để chấn chỉnh tình trạng loạn giá kit test, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để bảo đảm nguồn cung trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng sản phẩm; thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá; không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Việc “sốt” kit test nhanh ở thời điểm hiện tại khiến chúng ta nhớ đến cơn “sốt” khẩu trang xảy ra cách đây hơn 2 năm khi Covid-19 mới bùng phát. Khi đó, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường, nhiều cửa hàng thuốc đã bị phạt hành chính và rút giấy phép kinh doanh vì có hành vi "trục lợi" khi bán khẩu trang giá cao hơn gấp nhiều lần so với quy định.
Do đó, việc cần làm ngay ở thời điểm này là Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Vì sao giá kit test nhanh lại “nhảy múa”? Có thực sự do thiếu nguồn cung hay chỉ là hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý? Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ. Cùng với đó, xử lý nghiêm minh nếu có hành vi trục lợi, đầu cơ, găm hàng trang thiết bị y tế. Đừng tạo thêm gánh nặng cho người dân bởi hành vi trục lợi trong đại dịch.