Sự chuyển hướng quan trọng
Từ lâu, UAE, Ảrập Xêút và Qatar đã có lợi ích chính trị và an ninh tại Bắc và Đông Phi nhằm bảo vệ các tuyến thương mại, khai thác nguồn tài nguyên và thúc đẩy ảnh hưởng tôn giáo. Tuy nhiên, từ cuối những năm 2010, chính sách đối ngoại của họ có sự chuyển hướng quan trọng. Thay vì tập trung vào các can thiệp chính trị - quân sự tốn kém - ví dụ như thông qua sự tham gia vào giải quyết các cuộc xung đột ở Yemen, Libya hay Sudan, họ đẩy mạnh sự hiện diện kinh tế tại châu Phi cận Sahara, đặc biệt trong hai lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Đây không chỉ là các ngành có lợi ích chiến lược đối với vùng Vịnh mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của châu Phi. Các quốc gia vùng Vịnh tận dụng lợi thế tài chính để đầu tư mạnh vào các dự án điện, đường sá, cảng biển và khai khoáng, giúp họ xây dựng hình ảnh đối tác quan trọng tại châu Phi. Đồng thời, Chính phủ các nước châu Phi cũng hoan nghênh nguồn vốn từ vùng Vịnh như một cách để giảm sự phụ thuộc vào phương Tây và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà đầu tư quốc tế.

Ba yếu tố chính thúc đẩy các quốc gia vùng Vịnh gia tăng đầu tư tại châu Phi bao gồm: đa dạng hóa kinh tế, chiến lược năng lượng hai hướng, và sự thay đổi trong quan hệ quốc tế. Thứ nhất, sự biến động giá dầu và tác động của đại dịch Covid-19 khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như UAE, Ảrập Xêút và Qatar phải tìm cách mở rộng sang các ngành phi dầu mỏ. Châu Phi, với nguồn tài nguyên phong phú và dân số trẻ, trở thành thị trường tiềm năng cho các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, logistics và khai khoáng. Thứ hai, các quốc gia vùng Vịnh muốn duy trì vị thế trong ngành dầu khí, nhưng đồng thời cũng đang chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch. Châu Phi cung cấp cả hai cơ hội này: tiếp tục là thị trường tiêu thụ dầu khí nhưng cũng có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo và khai khoáng phục vụ công nghệ sạch. Thứ ba, sự thay đổi trong quan hệ quốc tế tạo ra khoảng trống quyền lực khi phương Tây giảm bớt sự can dự vào châu Phi. Điều này giúp các cường quốc mới như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại lục địa này mà không gặp quá nhiều sự cạnh tranh từ châu Âu và Mỹ.
Mối quan hệ kinh tế bùng nổ
Mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia vùng Vịnh và châu Phi đang mở rộng nhanh chóng, với sự gia tăng đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Trong hai năm 2022 - 2023, tổng số vốn đầu tư từ vùng Vịnh vào châu Phi đạt gần 113 tỷ USD, vượt xa tổng đầu tư của cả thập kỷ trước. UAE, Ảrập Xêút và Qatar là ba quốc gia dẫn đầu, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược không chỉ phản ánh lợi ích của họ mà còn là lĩnh vực châu Phi cần nhất như năng lượng, phát triển cảng biển, mạng lưới hậu cần, hạ tầng giao thông, hàng không hay các đặc khu kinh tế. Cụ thể, UAE đặc biệt chú trọng vào việc mở rộng vai trò trung tâm thương mại giữa châu Phi và thế giới, trong khi Ảrập Xêút đầu tư vào đường bộ nhằm nâng cao kết nối nội địa, còn Qatar gia tăng cổ phần trong ngành hàng không khu vực.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, vùng Vịnh cũng đóng vai trò quan trọng trong tài trợ tài chính và hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại châu Phi. Năm 2021, UAE cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ USD để thúc đẩy năng lượng tái tạo, đồng thời hỗ trợ 1,15 tỷ USD thông qua 4 ngân hàng UAE cho Tập đoàn Tài chính châu Phi (AFC) vào năm 2024. Năm 2023, Ảrập Xêút thông qua Quỹ Phát triển Ảrập Xêút ký kết các thỏa thuận với AFC về tài trợ hạ tầng trên khắp khu vực, với cam kết 41 tỷ USD cho tín dụng xuất nhập khẩu và phát triển khu vực tư nhân trong vòng 10 năm, bắt đầu từ cuối năm 2024. Qatar cũng có các chương trình hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu, bao gồm khoản tài trợ 200 triệu USD cho các dự án môi trường và đầu tư 250 triệu USD vào Quỹ Virunga Africa I của Rwanda để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong các lĩnh vực đổi mới ở nước này cũng như các nước châu Phi khác. Tuy nhiên, những khoản đầu tư lớn này đặt ra thách thức về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khi các nước châu Phi ngày càng phụ thuộc vào dòng vốn từ vùng Vịnh, có nguy cơ làm gia tăng nợ công.
Về thương mại, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong khối GCC, nhờ lợi thế về dịch vụ hậu cần và hệ thống cảng biển hiện đại. Nước này đã sớm tham gia vào thương mại, hậu cần và dịch vụ để đảm bảo doanh thu bền vững - đặc biệt là Dubai, một tiểu vương quốc có trữ lượng dầu rất hạn chế. UAE đã tiến hành mở rộng đáng kể cơ sở hạ tầng cảng và vận tải trên khắp châu Phi (dẫn đầu là các công ty hậu cần khổng lồ như DP World có trụ sở tại Dubai và gần đây hơn là Abu Dhabi Ports). Điều này đã giúp biến UAE thành cửa ngõ thương mại giữa châu Phi và thế giới.
Nhìn chung, các quốc gia vùng Vịnh xuất khẩu chủ yếu dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm hydrocarbon sang châu Phi, trong khi châu Phi cung cấp kim loại, khoáng sản và nông sản. Giao dịch vàng giữa UAE và châu Phi đặc biệt đáng chú ý, giúp UAE trở thành trung tâm tinh chế và nhập khẩu kim loại quý toàn cầu. Tuy nhiên, quan hệ thương mại này vẫn cho thấy sự bất cân xứng, khi châu Phi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, còn vùng Vịnh hưởng lợi từ việc xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn.
Bên cạnh thương mại và đầu tư, ngoại giao năng lượng cũng là một trọng tâm trong quan hệ hợp tác. Châu Phi sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí, khoáng sản quý (như lithium, coban hay các nguyên tố đất hiếm) và tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào cùng các khu rừng được bảo tồn tốt để bù đắp carbon, trong khi các nước vùng Vịnh tìm cách duy trì vị thế trong ngành năng lượng toàn cầu. UAE mở rộng đầu tư vào LNG tại Mozambique và ký thỏa thuận với BP tại Ai Cập, Ảrập Xêút tập trung vào phát triển hạ tầng vận chuyển dầu khí, còn Qatar gia tăng cổ phần trong các mỏ LNG châu Phi để củng cố vai trò là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu.
Tác động địa chính trị
Sự tham gia mạnh mẽ của các nước vùng Vịnh vào thị trường năng lượng châu Phi không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực mà còn tạo ra những ảnh hưởng địa chính trị quan trọng.
Trước hết, châu Phi đang bước vào xu hướng đa cực, không còn phụ thuộc vào một nhóm đối tác truyền thống mà chủ động tìm kiếm sự cân bằng giữa phương Tây, Trung Quốc, Nga và vùng Vịnh. Theo các nhà phân tích, sự cạnh tranh giữa các cường quốc giúp châu Phi có lợi thế đàm phán tốt hơn, nhưng cũng đi kèm nguy cơ bị lôi kéo vào các cuộc đấu tranh quyền lực.
Đối với vùng Vịnh, chiến lược này giúp họ củng cố vị thế trên trường quốc tế mà không đối đầu trực tiếp với phương Tây. Thay vì áp đặt ảnh hưởng thông qua viện trợ kèm điều kiện như phương Tây, các quốc gia vùng Vịnh chọn cách tiếp cận linh hoạt và nhanh chóng hơn, ưu tiên hợp tác kinh tế thông qua đầu tư trực tiếp. Các mô hình kinh tế của họ không chỉ thúc đẩy lợi ích tài chính, mà còn gắn kết chặt chẽ với các chương trình nghị sự chính trị, giúp họ định hướng chiến lược một cách chủ động. Sự kết nối đó không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên trong bối cảnh quyền lực toàn cầu đang tái phân bổ, mà còn giúp các quốc gia vùng Vịnh củng cố vị thế chính trị của mình tại châu Phi.
Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến sự thu hẹp ảnh hưởng tại châu Phi. Dù EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi cận Sahara, thị phần của họ đang giảm dần trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc và vùng Vịnh.