Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định hành vi vi phạm pháp luật của các bị can liên quan đến dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) P. Phú Hài, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Vào tháng 10.2013, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định phê duyệt quỹ đất đấu giá 3 lô đất ở phường Phú Hài, TP.Phan Thiết với tổng diện tích khoảng 92.600m2 với giá khởi điểm là 1,2 triệu đồng/mét vuông. Tổng số tiền là hơn 111 tỷ đồng. Từ 2013 đến 2015, khu đất này đã thông báo bán đấu giá 6 lần nhưng đều không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Ngày 16.1.2017, Công ty Cổ phần Tân Việt Phát có công văn xin chủ trương cho phép giao đất không thông qua hình thức đấu giá đối với 3 lô đất trên. Ngày 23.2.2017, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đồng ý chủ trương giao 3 lô đất trên cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát; giá giao đất là giá khởi điểm để đấu giá theo Quyết định của UBND tỉnh vào tháng 10.2013. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi khoảng 92.600m2 đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý để giao cho Công ty Cổ phần Tân Việt Phát thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Với việc giao đất năm 2017 nhưng lại tính tiền sử dụng đất theo năm 2013 gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Vì sao giao đất cho doanh nghiệp năm 2017 mà UBND tỉnh lại tính tiền thuế đất lùi về năm 2013? Có hay không sự cấu kết, bắt tay của các cán bộ, lãnh đạo với doanh nghiệp để trục lợi trong trường hợp này? Số tiền chênh lệch này đã chảy vào túi ai? Cử tri và dư luận mong sớm nhận được câu trả lời từ phía các cơ quan điều tra.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai thời gian qua. Vì buông lỏng quản lý, vì có sự “thỏa thuận ngầm”, nhiều đất “vàng” đã được phù phép vào tay doanh nghiệp. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng từng trăn trở vì tình trạng này. Sự buông lỏng, “thỏa thuận ngầm” dẫn đến thất thoát tài nguyên, thất thoát ngân sách nhà nước và đau xót nhất là sự tha hóa của một số cán bộ đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào công tác quản lý đất đai.
Những “lỗ hổng” trong quản lý đất đai cũng đã được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số: 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị. Theo đó, việc giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật, nhiều trường hợp chỉ định nhà đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Nguồn thu từ đất chưa bảo đảm bền vững, nhiều dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, nguy cơ thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm rõ các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Nhiều vụ án liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai đã khép lại với bản án nghiêm khắc, đủ để răn đe. Nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng trong xử lý các sai phạm. Điều quan trọng là cần có cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn sớm các vi phạm bởi các quy định pháp luật về đất đai đủ chặt chẽ, bởi cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên hiệu quả việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai. Có như vậy mới tránh được “đất vàng” rơi vào tay doanh nghiệp, mới tránh được cán bộ rơi vào vòng lao lý.