Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố tháng 10.2020 là Tháng Nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình quốc gia, đồng thời kêu gọi người dân theo dõi tháng này thông qua nhiều chương trình, hoạt động và buổi lễ thích hợp. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ngân sách tài chính năm 2020 đã phân bổ gần 500 triệu USD cho Bộ Tư pháp nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện, hiệu quả giúp củng cố các mối quan hệ phi bao lực, dựa trên sự tôn trọng để giảm tình trạng bạo lực gia đình.
Ông Donald Trump cho biết, trong bối cảnh phải chiến đấu với đại dịch Covid-19, nước Mỹ cũng buộc phải đối mặt với sự gia tăng đáng báo động các vụ bạo lực gia đình. Vì vậy, việc bảo vệ và hỗ trợ những ai bị mắc kẹt với những kẻ lạm dụng là ưu tiên hàng đầu. Thực tế, các báo cáo về bạo lực gia đình ngay trong tháng 3, thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh và lan rộng, đã tăng mạnh tại nhiều thành phố của Mỹ. Chẳng hạn, chỉ riêng bang New York, các cuộc gọi cầu cứu cảnh sát đã tăng 15 - 20% trong giai đoạn này.
Bạo lực gia đình ở Mỹ mặc dù thường xảy ra giữa các cặp vợ chồng hoặc đối tác có mối quan hệ thân mật, nhưng nó cũng có thể là những xô xát khác, chẳng hạn như bạo lực đối với trẻ em, con cái chống lại cha mẹ hoặc bạo lực giữa anh, chị, em trong cùng gia đình. Các cơ quan chính phủ và phi chính phủ Mỹ đã phải nhận, đây là vấn đề xã hội quan trọng. Và nhiều đạo luật chống lại các hành vi bạo lực gia đình đã được Quốc hội Mỹ thông qua trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng này.
Năm 1994, Quốc hội thông qua Luật Chống bạo lực đối với phụ nữ (VAWA). Đạo luật này, và các sửa đổi bổ sung năm 1996 của nó, thừa nhận bạo lực gia đình là tội ác quốc gia. VAWA sau đó còn được sửa đổi tiếp vào các năm 2000, 2005. Nó hết hiệu lực vào năm 2018 và dự luật thay thế cho nó, H.R. 1585, mặc dù được Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua năm 2019 nhưng lại không vượt qua được ải Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Ngoài VAWA, Mỹ còn có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (FVPSA), trong đó cung cấp tài trợ liên bang để giúp các nạn nhân của bạo lực gia đình và trẻ em phụ thuộc của họ bằng cách cung cấp nơi trú ẩn và trợ giúp liên quan, cung cấp các chương trình phòng, chống bạo lực cũng như cải thiện phương thức hoạt động cùng nhau của các cơ quan dịch vụ làm việc trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.
Vào năm 1994 và 1996, Đồi Capitol cũng “bật đèn xanh” với những thay đổi của Luật Kiểm soát súng, biến những kẻ bạo hành gia đình sở hữu súng trở thành tội phạm liên bang trong một số tình huống nhất định. Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật chống bạo lực gia đình của Mỹ còn có Luật Quản chế liên bang và phóng thích có giám sát đối với người phạm tội bạo lực gia đình. Theo luật này, người phạm tội bạo lực gia đình lần đầu bị kết án phải tham gia các chương trình phục hồi nhân phẩm phi lợi nhuận được tòa án phê duyệt trong bán kính 50 dặm tính từ nơi ở hợp pháp của cá nhân. Ngoài ra, luật còn quy định quản chế bắt buộc đối với người vi phạm bạo lực gia đình lần đầu mà không bị kết án tù có thời hạn.
Ngoài luật liên bang, các tiểu bang của Mỹ cũng thông qua nhiều quy định của riêng mình để đối phó với vấn nạn xã hội này. Chẳng hạn, ở California, tùy thuộc vào hoàn cảnh của vụ án và tiền án của thủ phạm, tội bạo lực gia đình có thể bị quy là trọng tội hoặc tội nhẹ. Theo Bộ luật Hình sự California, nếu vết thương của nạn nhân là nhẹ, chẳng hạn như vết bầm tím hoặc trầy xước, và thủ phạm không có hồ sơ phạm tội trước đó, thì hung thủ có thể chỉ bị buộc tội nhẹ. Ngược lại, nếu thương tích nghiêm trọng, hoặc được coi là có “thương tích lớn trên cơ thể” theo định nghĩa của luật tiểu bang, hoặc nếu thủ phạm có tiền án, tiền sự, kẻ bạo hành nhiều khả năng sẽ bị kết án phạm trọng tội theo Bộ luật Hình sự California, phần nói về thương tật thân thể đối với vợ/chồng hoặc người sống chung. Trong khi đó, bang Minnesota ban hành luật bắt giữ thủ phạm bạo lực gia đình, cho phép các cảnh sát bắt giữ một cá nhân mà không cần lệnh nếu có lý do chính đáng để tin rằng người này đã có hành vi lạm dụng gia đình. Ngoài ra, cảnh sát cũng được yêu cầu thông báo cho các nạn nhân của bạo lực gia đình quyền hợp pháp của họ.
Còn ở New York, từ năm 2009, chính quyền bang đã cấm phân biệt đối xử về việc làm đối với nạn nhân của bạo lực gia đình (tính đến năm 2012, đây là một trong 6 bang công nhận nạn nhân của bạo lực gia đình là đối tượng được bảo vệ trong các quy định về việc làm ở Mỹ). Ngoài biện pháp bảo vệ trên, chính quyền New York còn cung cấp trợ cấp thất nghiệp cho nạn nhân có công việc bị ảnh hưởng vì bạo lực gia đình.