Thách thức ngân sách với các quốc gia vùng Vịnh
Giá dầu tăng trong bối cảnh Trung Đông ngày càng căng thẳng. Xung đột gần đây giữa Israel và Hezbollah leo thang dữ dội, khi Israel phát động một loạt các cuộc tấn công có mục tiêu ở Lebanon, cướp đi sinh mạng của gần 500 người và làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến khu vực rộng hơn, có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu và làm mất ổn định thêm thị trường năng lượng toàn cầu.
Vào ngày 24.9.2024, giá dầu thô Brent giao tháng 11 đạt 74,93 USD/ thùng, trong khi giá dầu thô WTI giao tháng 10 giao dịch ở mức 71,33 USD/ thùng. Mặc dù mức tăng này là 1,4% so với đầu tuần, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức giá hòa vốn mà nhiều nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) mong muốn. Ví dụ, Ảrập Xêút, nền kinh tế lớn nhất trong GCC, hiện cần giá dầu là 96,20 USD/ thùng, chủ yếu là do nhu cầu tài chính của chương trình Tầm nhìn 2030.
Thực tế, các nước GCC, nổi tiếng với nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do giá dầu vẫn thấp hơn mức cần thiết để cân bằng ngân sách. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một số quốc gia, bao gồm Ảrập Xêút, Bahrain và Kuwait, thậm chí cần giá dầu cao hơn đáng kể để duy trì sự ổn định tài chính.
Năm 2022, hầu hết các nền kinh tế của GCC đều có thặng dư ngân sách hiếm hoi khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, giá dầu hiện tại thấp hơn, kết hợp với việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt doanh thu. Đối với Ảrập Xêút, nền kinh tế lớn nhất của GCC, giá dầu ở mức 96,20 USD/thùng mới giúp được cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn bởi quốc gia giàu dầu mỏ này phải gánh chịu phần lớn các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong vài năm qua, sau khi đồng ý cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày hoặc gần một nửa trong số 2,2 triệu thùng/ngày mà nhóm đã cam kết. Kết quả là, Ảrập Xêút vừa bán ít dầu hơn, lại vừa với giá thấp hơn, khiến thâm hụt doanh thu càng trở nên trầm trọng,
Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng của Ảrập Xêút nhằm mục đích đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Thực tế, nó đã gặt hái nhiều tiến triển với doanh thu phi dầu mỏ đạt 50% GDP của Vương quốc vào năm 2023, mức cao nhất từng được ghi nhận. Nền kinh tế phi dầu mỏ của nước này được định giá ở mức 1,7 nghìn tỷ Riyal (453 tỷ USD) do tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định trong các lĩnh vực như giải trí, du lịch, thực phẩm, xuất khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng. Ảrập Xêút cũng chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng trong các khoản đầu tư của khu vực tư nhân, tăng 57% vào năm 2023 lên mức kỷ lục 959 tỷ Riyal (254 tỷ USD).
Tuy nhiên, những nỗ lực chuyển đổi đi kèm với mức giá cao khi mà chi phí thực hiện Tầm nhìn 2030 thực sự rất lớn. IMF cho rằng, Ảrập Xêút sẽ tiếp tục cần giá dầu cao hơn để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của chương trình, bao gồm dự án quy mô lớn như thành phố tương lai NEOM trị giá 500 tỷ USD... Học giả Li-Chen Sim của Viện Trung Đông nhấn mạnh với hãng tin CNBC của Mỹ rằng, Ảrập Xêút sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngân sách lớn cho đến năm 2030, khi họ cần chứng minh được những kết quả hữu hình từ các dự án Tầm nhìn 2030 và tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa quốc tế lớn. Một số chuyên gia, như Irina Slav của OilPrice.com, thậm chí lưu ý nếu giá dầu vẫn ở mức thấp, Ảrập Xêút có thể cần gia hạn Tầm nhìn 2030 đến năm 2040, hoặc thậm chí là năm 2050.
Những thách thức ngân sách không chỉ dừng ở Ảrập Xêút. Bahrain và Algeria cũng cần giá dầu ở mức 125,7 USD/ thùng để cân bằng ngân sách, Iraq là 93,8 USD và Kuwait là 83,5 USD để tránh thâm hụt. Chỉ có UAE và Oman dự kiến sẽ ghi nhận thặng dư tài chính. Fitch Ratings dự đoán, giá dầu hòa vốn tài chính của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) sẽ trung bình là 64 USD/thùng từ năm 2024 đến năm 2026. Tuy nhiên, kế hoạch chia cổ tức của Abu Dhabi có thể gây ra xáo trộn, vì các khoản chi trả cao hơn có thể làm giảm mức giá trung bình này. Oman cũng được kỳ vọng sẽ duy trì thặng dư ngân sách, mặc dù sẽ thu hẹp từ 3,2% GDP năm 2023 xuống còn 0,9% vào năm 2025.
Tăng trưởng chậm lại
Triển vọng kinh tế của GCC đã bị che mờ bởi việc cắt giảm sản lượng dầu đang diễn ra, làm chậm tăng trưởng. Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters với các nhà kinh tế dự đoán rằng, các nền kinh tế GCC sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024, trong đó Ảrập Xêút nằm trong số những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cuộc thăm dò ý kiến của 24 nhà kinh tế được thực hiện từ ngày 8 - 22.7 dự đoán, tăng trưởng của Ảrập Xêút sẽ chỉ đạt 1,3% vào năm 2024, giảm so với mức dự báo 1,9% trong cuộc khảo sát vào tháng 4 và mức dự báo 3% vào tháng 1. Nền kinh tế Ảrập Xêút, tăng trưởng 8,7% vào năm 2022 - tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm sản lượng và giá dầu thấp hơn.
Trong khi đó, UAE dự kiến sẽ hoạt động tốt hơn với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 3,7%, nhờ sản lượng dầu tăng và ngành du lịch bùng nổ. Kuwait dự kiến sẽ vẫn suy thoái trong năm nay, trong khi Qatar, Oman và Bahrain dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt là 2,2%, 1,6% và 2,6%. Nhìn chung, các nền kinh tế GCC dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 1,9% vào năm 2024, chậm hơn đáng kể so với những năm trước.
Tuy nhiên, triển vọng cho năm 2025 sẽ tươi sáng hơn đối với GCC. Nền kinh tế của Ảrập Xêút được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5%, trong khi UAE dự kiến sẽ tăng trưởng 4,2%. Sự phục hồi này có thể được thúc đẩy nhờ giá dầu cao hơn, sản lượng dầu tăng và tập trung vào các lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch, hậu cần và công nghệ. Ngoài ra, lạm phát trên toàn khu vực dự kiến sẽ vẫn ở mức vừa phải, với dự báo dao động từ 1,0% đến 3,0% vào năm 2024, tùy thuộc vào quốc gia. Trong đó, Oman được dự đoán có tỷ lệ thấp nhất và Kuwait có tỷ lệ cao nhất.
Nói chung, con đường phía trước của các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh vẫn chưa chắc chắn, khi nhu cầu ngân sách phụ thuộc nhiều vào giá dầu cao hơn. Trong khi các nỗ lực đa dạng hóa của các quốc gia như Ảrập Xêút đang cho thấy kết quả khả quan, khu vực này vẫn dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Hiện tại, tình hình bất ổn địa chính trị ở Trung Đông đang làm tăng thêm bất ổn đối với thị trường dầu mỏ. Bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu, có khả năng đẩy giá lên cao hơn. Tuy nhiên, nếu giá dầu không tăng liên tục hoặc nhu cầu dầu không thay đổi đáng kể, nền kinh tế các quốc gia vùng Vịnh sẽ tiếp tục phải đối mặt với thâm hụt ngân sách và tăng trưởng chậm lại.