Mới có gần 20 triệu hộ chiếu vaccine được cấp
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay, nhiều người dân vẫn lầm tưởng hộ chiếu vaccine là hộ chiếu giấy giống như các loại hộ chiếu xuất, nhập cảnh khác. Thực chất, hộ chiếu vaccine là hộ chiếu điện tử, chỉ hiển thị bằng mã QR. Khi khai báo nhập cảnh, người nhập cảnh sẽ được tiến hành quét mã QR cá nhân, trên đây sẽ hiển thị đầy đủ thông tin hợp pháp về tình trạng tiêm chủng của người nhập cảnh. Khi quét mã QR trên hộ chiếu điện tử sẽ hiển thị 12 thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh như họ tên, ngày sinh, bệnh dịch, vaccine, sản phẩm vaccine, số liều, ngày tiêm…
Khẳng định việc cấp hộ chiếu vaccine là rất cần thiết, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, theo quy trình, để cấp hộ chiếu vaccine, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải rà soát, đối chiếu với thông tin công dân, sau đó xác nhận dữ liệu tiêm chủng bằng chữ ký số, gửi Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ sử dụng chữ ký điện tử để xác nhận dữ liệu tiêm chủng, cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Do đó, xác thực thông tin tiêm chủng là khâu rất quan trọng trong quy trình cấp hộ chiếu vaccine.
Được biết, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh việc "làm sạch" dữ liệu để cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Gần đây nhất, Bộ Y tế đã gia hạn cho các đơn vị thực hiện làm sạch dữ liệu trước ngày 1.6. Tuy nhiên, theo thống kê, đến ngày 23.5, số hộ chiếu vaccine đã cấp là khoảng 20 triệu, đến nay, vẫn còn hàng chục triệu mũi vaccine chưa được "làm sạch" (sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác).
Khó vì nhiều lý do
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, dữ liệu trên ứng dụng PC-Covid và sức khỏe điện tử là dữ liệu của cơ sở tiêm chủng. Những dữ liệu này có thông tin tiêm, căn cước công dân nhưng chưa có mã định danh hoặc có những dữ liệu sai thông tin. Dữ liệu tiêm chủng cần được đối chiếu lại với thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Việc này, Bộ Y tế giao cơ sở tiêm chủng và đề nghị cơ quan công an phối hợp làm sạch dữ liệu cho người dân. Vấn đề còn vướng mắc ở đây là việc các địa phương rà soát, làm sạch dữ liệu chậm, dẫn đến chậm trễ cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.
Lý giải rõ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế chia sẻ, tại một số nơi tập trung đông dân cư, trạm y tế cơ sở có trách nhiệm rà soát thông tin sai sót của người dân thường trú trên địa bàn. Đa phần các dữ liệu chưa bảo đảm hoàn toàn các yếu tố “đúng, đủ, sạch, sống” và khi tiến hành đối sánh thông tin với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ban, ngành có nhiều trường hợp không trùng khớp. Nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác khi tiêm chủng Covid-19 nên còn tồn đọng tình trạng dữ liệu thiếu, chưa được cập nhật trên hệ thống. Bên cạnh đó, nhân lực “mỏng” kèm theo việc đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5 - 12 tuổi nên một số nơi chưa tập trung cho việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng...
“Khi Bộ Y tế chưa nhận được dữ liệu ký số của cơ sở tiêm chủng thì chưa thể ký số tập trung để cấp hộ chiếu cho người dân. Chỉ khi các điểm tiêm chủng cập nhật lên hệ thống thì mới thực hiện được các bước tiếp theo” - ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ
Để hoàn thành tiến độ đề ra, ông Nguyễn Trường Nam cho biết, Bộ Y tế đã hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng hàng ngày phải kiểm tra, ký xác nhận hộ chiếu vaccine chuyển lên hệ thống để Bộ ký số, cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Với những mũi tiêm mới sau tháng 5.2022, cơ sở y tế ký số và chuyển dữ liệu lên hệ thống trong ngày.
Là một trong những địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, từ tháng 4 đến nay, Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn các địa phương truy xuất dữ liệu trên nền tảng tiêm chủng Covid-19, khẩn trương bổ sung, xác thực thông tin của trên 830.000 trường hợp bị sai sót, thiếu thông tin.
Tuy nhiên, việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng tại địa phương này cũng đang gặp khó khăn do nhiều người bị sai số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ nơi thường trú. Năm 2021, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước, nhiều công dân ngoại tỉnh tiêm vaccine tại đây nhưng ghi địa chỉ không cụ thể hoặc không chính xác; nhiều trường hợp là công nhân không còn lưu trú tại địa phương nên cơ quan chức năng khó tiếp cận để xác thực dữ liệu. Có trường hợp khi tiêm vaccine chỉ ghi thông tin về năm sinh mà không có ngày, tháng sinh nên không thể nhập thông tin đầy đủ, phần mềm liên tục báo lỗi.
Theo các chuyên gia, việc cập nhật thông tin tiêm chủng của người dân từ các cơ sở tiêm chủng vẫn còn thiếu, có thông tin chưa đúng nên chưa bảo đảm việc liên thông dữ liệu. Đây là khó khăn, hạn chế, đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm hơn nữa trong việc xác thực, chính xác hóa thông tin, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư; phải rà soát lại những thông tin nào chưa phù hợp, kịp thời cập nhật lên hệ thống tiêm chủng… Nếu các đơn vị không vào cuộc quyết liệt để "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng, việc xác thực thông tin sẽ khó có thể bảo đảm đúng tiến độ mà Bộ Y tế đề ra.