Chuyện về lớp học xóa mù chữ, thoát nghèo của thầy giáo "quân hàm xanh" ở Sốp Cộp

Có một người thầy không được đào tạo từ ngành sư phạm, nhưng vẫn ngày đêm tần tảo, miệt mài với lớp dạy học xóa mù chữ, cùng người dân vùng cao dẹp "giặc" dốt, "giặc" đói và nâng cao dân trí.  

Mù chữ gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, không biết chữ còn khiến người dân không tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật mới khiến năng suất lao động, năng suất trồng trọt, chăn nuôi không cao, dẫn đến đói nghèo luôn tiềm ẩn.

Nhận thức được hệ quả đó, hơn 2 năm nay, lớp học xóa mù chữ của Đại úy - "Thầy giáo mang quân hàm xanh" Lò Văn Thoại (Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) luôn sáng đèn, vang vọng tiếng đọc bài của học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

5-27.jpg
Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo Lò Văn Thoại (Ảnh: NVCC)

Nhờ lớp học này, cuộc sống người dân tại xã Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La) đã được từng bước xóa đói giảm nghèo, giúp phát triển kinh tế, góp phần nâng cao dân trí.

"Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc"

Chia sẻ về quá trình mở lớp dạy xóa mù chữ, thầy Lò Văn Thoại cho biết, đầu năm 2022, thầy nhận nhiệm vụ công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, đơn vị quản lý tại xã Nậm Lạnh và Mường Và. Đây cũng là hai xã còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tình trạng tái mù chữ và mù chữ, tảo hôn liên tục diễn ra, đặc biệt là các bản giáp biên giới. Người dân nơi đây không có điều kiện đi học nên bị hạn chế về kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, dẫn đến năng suất thu được từ hoạt động sản xuất không cao.

Trong một lần công tác vào năm 2022 tại xã Mường Và, thầy Thoại cùng đồng đội đến bản Pá Khoang cách trung tâm xã khoảng 20km. Ban đầu, các thầy chỉ nghĩ mất khoảng 40-50 phút là đến nơi, nhưng thực tế quãng đường đi mất tận 2 tiếng.

"Để đến được bản phải lội suối, vượt đèo gần 2 tiếng, đến trầy xước đôi bàn chân. Quãng đường đi vô cùng gian nan, vất vả", Thầy Thoại nhớ lại.

Ở Pá Khoang 2 ngày, thầy Thoại nhận thấy nơi đây còn nhiều khó khăn, không chỉ đường xá đi lại mà còn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tình trạng tái hôn, kết hôn cận huyết diễn ra vô cùng nhức nhối, để lại nhiều trăn trở trong người thầy giáo. Câu hỏi làm thế nào giúp được bà con nông dân biết đọc chữ, biết viết tên của mình, biết phương pháp làm kinh tế hộ gia đình, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào lao động sản xuất, ổn định cuộc sống cứ luẩn quẩn trong đầu.

Không chần chừ, thầy Lò Văn Thoại lập tức lập danh sách các trường hợp tái mù chữ và mù chữ, đồng thời tham mưu cho chỉ huy đơn vị phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp mở lớp xóa mù chữ tại bản Pá Khoang.

“Trăn trở lớn nhất của tôi lúc đó là làm cách nào nhanh chóng giúp mọi người biết chữ, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống cho bà con”, thầy Thoại nói.

z6049102604523-c90b06786d6b49320c358b07c2dfca99.jpg
Lớp học của thầy Thoại luôn sáng đèn vào đêm khuya (Ảnh: NVCC)

Kể về ngày đầu thành lập lớp, thầy Thoại còn nhớ đã lặn lội đến từng nhà, vận động từng học viên với mong muốn bà con đến trường đông đủ. Đến khi học viên đã đến lớp học vẫn có tình trạng bỏ giữa chừng. Lúc đó, thầy Thoại lại kiên trì trèo đèo, lội suối đến tận nhà làm công tác tư tưởng, để người dân có quyết tâm theo đuổi con chữ.

Sau nhiều lần vận động không đạt hiệu quả như mong muốn, thầy Thoại quyết định thay đổi chiến thuật, áp dụng phương châm 4 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” để thêm gắn kết với bà con. Mọi nỗ lực đều được hồi đáp, thầy đã thuyết phục được bà con tới lớp bằng sự tận tâm và kiên trì.

Ban ngày làm nhiệm vụ vận động quần chúng, nhưng khi màn đêm xuống, thầy giáo chẳng kịp nghỉ ngơi mà đã vội lên lớp để dạy chữ cho đồng bào. Với tình yêu nghề, yêu người da diết, cùng sự chăm chỉ luyện tập, dưới sự giảng dạy của thầy giáo, học viên cơ bản đã biết đọc, biết viết, biết tính toán.

"Người thầy giáo" đặc biệt

Xuất phát điểm là một bộ đội biên phòng, không được đào tạo bài bản về sư phạm, những ngày đầu đứng lớp, thầy Thoại phải tự học, tự đọc để rèn luyện thêm kỹ năng. Thầy chủ động tìm đến các giáo viên đi trước đã có nhiều năm trong công tác xóa mù chữ để học hỏi, từ đó biên soạn giáo án phù hợp.

"Những buổi đầu lên lớp không dễ dàng, vì học viên lâu rồi không cầm bút và ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đôi khi phải cầm tay học viên viết những nét chữ ê, a...đặc biệt là học ghép chữ, ghép vần... Lúc đó chỉ còn cách “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, thầy và trò cùng học và cùng cố gắng", thầy Thoại kể.

z6049102274020-9c952e4fe52aa032e3141b23b1fdd93d.jpg
Lớp học của "thầy giáo Thoại" được học viên tin tưởng, yêu quý và theo học
 (Ảnh: NVCC)

Sau hơn 2 năm tuyên truyền, lớp học ban đầu chỉ vọn vẻn 7-8 học viên đã tăng lên 24 người tham gia, độ tuổi từ 14-45. Và sau 5 tháng, học viên từ không biết con chữ, con số, đặc biệt không biết sử dụng điện thoại đã thích đến lớp hơn. Bà con tại bản đã nhận thức được việc học tập không chỉ giúp bản thân thêm hiểu biết, mà còn bổ trợ các hoạt động thường ngày như chăm sóc sức khỏe cho con cái, biết chăn nuôi, làm kinh tế và tự tin hơn khi giao tiếp.

Theo thời gian, lớp học của thầy Thoại ngày càng được học viên tin tưởng, đăng ký và theo học. Người dân ưu ái gọi chiến sĩ biên phòng ấy với cái tên thầy thân thương “thầy Thoại”, hay “thầy giáo Thoại”.

Sau khi học viên nắm vững kiến thức cơ bản, thầy Thoại bắt đầu lồng ghép những nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số vào các bài giảng. Đồng thời tuyên truyền cho bà con về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Nhìn học viên tiến bộ hàng ngày, niềm vui tràn ngập trong người thầy giáo, tiếp thêm cho thầy động lực trong việc giảng dạy, hướng dẫn học viên làm ăn, phát triển kinh tế. Đặc biệt, người chiến sĩ biên phòng luôn quan tâm, vận động người dân thay đổi nhận thức về nạn tảo hôn.

"Tại bản Pá Khoang, thực trạng tảo hôn trước đó diễn ra nhức nhối. Trai gái chỉ 13 tuổi là lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhà nào cũng có từ 4-5 con, mỗi con chỉ cách nhau 1-2 năm. Tuy vậy, từ khi được đi học, người dân đã dần thay đổi nhận thức, đến nay tỷ lệ tảo hôn đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 1-2%. Người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe con cái, học tập, làm ăn kinh tế”, Thầy Thoại hạnh phúc kể.

Với những thành tích đã đạt được trong công tác giáo dục, Đại úy Lò Văn Thoại được Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La tặng giấy khen các năm 2021, 2022. Đại úy Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD-ĐT tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2024.

Giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi thư tay tới học sinh lớp 8 sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"
Giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi thư tay tới học sinh lớp 8 sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

Trong buổi tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 tại Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), em Nguyễn Trần Bảo Thức, học sinh lớp 8A5, Trường THCS Lương Thế Vinh đã vinh dự nhận được món quà của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tặng từ Hà Nội.

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.