Đó là những chia sẻ của cô giáo, Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến (Trường Giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an) khi vinh dự là một trong 60 đại biểu được vinh danh tại Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024.
Nghề của sự kiên nhẫn và đồng cảm
- Thưa cô, sau 5 năm gắn bó với việc giảng dạy ở trường phổ thông và gần 15 năm công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4. Đâu những khó khăn với một một giáo viên nữ, thực hiện việc giáo dục đặc thù tại trường giáo dưỡng với những học sinh đặc biệt?
- Tôi cho rằng, mỗi công việc sẽ có những đặc thù, khó khăn riêng. Đối với các thầy, cô ở trường giáo dưỡng, khó khăn đầu tiên đó là do những năm gần đây khi có sự thay đổi về các quy định pháp luật thì số lượng học sinh vào trường đã giảm. Ví dụ như trước đây đơn vị Trường Giáo dưỡng số 4 có quy mô, cơ sở vật chất đủ để đáp ứng đủ việc giáo dục, chăm sóc khoảng 1.400 - 1.500 học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay khi có những quy định mới, số lượng học sinh vào trường giảm đi dẫn đến là những điều kiện, nguồn kinh phí cấp về trường cũng sẽ giảm. Điều này cũng khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức các hoạt động cho học sinh…
Dưới góc nhìn của quan điểm giáo dục, chúng ta có thể hiểu các thầy, các cô ở ngôi trường giáo dưỡng là đang làm công tác giáo dục lại. Những học sinh của trường giáo dưỡng là những đứa trẻ đã một thời lầm lỡ. Nhiều em bỏ học từ lâu, có những em vào trường đã 16 tuổi nhưng chưa biết chữ, không thể viết được tên của chính mình. Đa phần các em đều không thích học, nhiều em có vấn đề về nhận thức, vấn đề về tâm lý... Vì vậy, công tác giảng dạy cho các em học sinh nơi đây không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn luôn cần tình yêu và đồng cảm, kiên nhẫn gấp bội để xây lại niềm tin cho các em. Bởi các thầy, cô nơi này không chỉ dạy kiến thức mà còn hướng dẫn các em về cách sống, cách đối diện với những khó khăn trong cuộc sống…
- Trong quá sự nghiệp giáo dục của mình, với cô kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?
- Trước khi về công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4, tôi cũng giảng dạy ở các trường phổ thông 5 năm. Khi chuyển công tác về trường, tôi cũng có đôi chút bỡ ngỡ. Việc giảng dạy cho các em học sinh ở trường phổ thông với những cô cậu học sinh trò chăm ngoan, dễ thương, đáng yêu đã khó khăn, vất vả, nhưng khi chuyển về công tác ở Trường Giáo dưỡng thì đối tượng giảng dạy khác biệt hoàn toàn. Các em học sinh ở đây đều là những trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật nên những khó khăn ấy cũng lớn hơn.
Khi trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc với các em, tôi cảm thấy các em đáng trách, nhưng các em đáng thương nhiều hơn và công việc của những thầy, cô giáo ở trường giáo dưỡng là ngoài việc phải chấp hành thực hiện theo quy định, hướng các em vào những quy định, nội quy, kỷ luật còn dành cho các em tình yêu thương.
Đơn vị chúng tôi cũng có một số tổ chức từ thiện, trong một số hoạt động, chương trình, có nhiều diễn giả thốt lên rằng, tôi nhận thấy trong mắt của các em học sinh có được một điều rất quan trọng đó là sự hồn nhiên, không nguy hiểm. Ở ngoài xã hội các em nguy hiểm, nhưng khi vào trường các em đều tiến bộ và thay đổi tích cực hơn. Có lẽ chính các thầy, cô trong trường đã mang đến cho các em một điều mà có thể các em đang thiếu, đó là tình yêu thương.
Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là kỷ niệm với một cậu học trò tại Trường Giáo dưỡng số 4. Phần lớn các em vào trường giáo dưỡng là các em nhỏ đến từ những gia đình không hoàn thiện. Bố mẹ ly hôn, không có bố hoặc không có mẹ, có những em sống ở cô nhi viện. Có những em sống với người thân là ông, bà, không có điều kiện chăm sóc, cuộc sống khó khăn và các em khao khát có được tình yêu thương của bố mẹ.
Có em đã chia sẻ với tôi, em chỉ ước mong có mẹ. Được mẹ ôm vào lòng, nấu cho một bữa ăn, giống như các bạn khác… Những điều mọi đứa trẻ khác có được thì các em lại không có. Chính vì thế, một trong những điều quan trọng khi làm công tác giáo dục ở trường giáo dưỡng là mang lại tình yêu thương cho các em. Từ tình yêu thương đó sẽ cho các em có thêm động lực để đổi thay.
Trước hết, giúp các em nhìn lại bản thân mình đã sai ở đâu để sửa chữa lỗi lầm, giúp các em đứng lên, vượt qua những rào cản để làm lại, trở thành những người công dân có ích cho xã hội. Tôi thường nói với các em, sau khi ra trường, các em làm gì cũng được, công việc nào cũng được, nhưng luôn luôn phải là người thiện…
- Trẻ em vi phạm pháp luật có một phần trách nhiệm của người lớn. Vậy cô có lời khuyên nào dành cho phụ huynh của các em nhỏ có hướng hướng giáo dục con cái phù hợp, tránh những sai lầm đáng tiếc cho các em?
- Có 3 yếu tố quan trọng để giáo dục nhân cách của một đứa trẻ là: gia đình, nhà trường và xã hội. Khi cái nôi gia đình của các em đã không hoàn thiện sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của các em. Ví dụ như, có những em bố, mẹ đang phải chịu án phạt tù hoặc mắc tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc... Bố mẹ giống như tấm gương phản chiếu đến nhân cách của một đứa trẻ. Tình yêu, sự quan tâm là vô cùng cần thiết để giúp các em trở thành những đứa trẻ ngoan. Các bậc cha, mẹ hãy quan tâm, yêu thương và có trách nhiệm với con của mình. Cùng với đó là sự quan tâm của nhà trường và xã hội đến những em nhỏ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Chính sự quan tâm của người lớn sẽ gieo cho các em mầm mống của sự thiện lương. Tình yêu sẽ giúp các em đi trên nẻo thiện. Điều đó sẽ hạn chế được tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.
- Xin cảm ơn cô!