Những sự kiện giáo dục nổi bật tuần Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Rộn ràng, xúc động không khí tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 trên cả nước, lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt các thầy cô, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, thông tin tuyển sinh 2025... là những tin tức giáo dục nổi bật tuần qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Tuần qua nổi bật là các sự kiện tri ân các thầy, cô giáo nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

Sáng 18.11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới dự chương trình gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.

"Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đã gợi mở 3 vấn đề lớn: Phải tập trung thực hiện cho bằng được đó là “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”; Có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số, phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số.

7-3-2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Chương trình gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo.

Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Trong các chỉ đạo gần đây của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm đã một lần nữa khẳng định vai trò của lực lượng nhà giáo, là “đầu tầu của giáo dục”, là lực lượng quan trọng nhất quyết định tới giáo dục. Tổng Bí thư bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các nhà giáo khi dặn dò trong phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội về Luật Nhà giáo rằng “luật Nhà giáo ban hành ra phải làm cho các nhà giáo phấn khởi, tươi vui, đón nhận…”. Nhà giáo phải có chỗ làm việc, có nhà ở công vụ, được tôn trọng và bảo vệ, … Đó là những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư với ngành Giáo dục, với trí thức khiến cho các nhà giáo thấy rất phấn chấn, thấy được quan tâm có chiều sâu, thấy người đứng đầu của Đảng thấu thực tiễn, thấu nhân tình, có tính chiến lược vĩ mô của dân tộc và tầm nhìn thời đại.

Đổi mới giáo dục – thách thức từ bên trong

Cũng tại buổi gặp mặt sáng 18.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những con số đáng tự hào của giáo dục Việt Nam trên chặng đường phát triển vừa qua.

Theo Bộ trưởng, có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và nhân lên trong thời đại mới.

5.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Giáo dục và đào tạo của nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, những truyền thống đẹp của cha ông tụ lại từ nghìn năm và cả truyền thống mới từ thời hiện đại vượt khó qua chiến tranh và chống đói nghèo, xóa mù chữ đều được kế tục và phát huy trong thời hiện nay.

Toàn thể lực lượng nhà giáo luôn theo Đảng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, say nghề, yêu nghề, yêu trò, luôn nỗ lực tu dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất, kỹ năng, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, hết mình vì sự nghiệp trồng người, số không nhỏ hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi những vùng xa xôi để đem con chữ tới cho trẻ em vùng khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có rất nhiều thách thức khó có thể kể hết, nhưng có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển.

Thông điệp của Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT, "Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá.

Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo chúng ta cần phải nắm chắc. Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo.

“Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn” – người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

​Chiều tối, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024).

ct2.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Báo cáo tại cuộc gặp mặt, thay mặt toàn ngành Giáo dục và lực lượng các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức cuộc gặp mặt thân tình, ấm áp với các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

"Đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên rất lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân theo quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, trong những năm qua, ngành giáo dục đã không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.

Bổ sung quy định đặc thù thể hiện sự tôn vinh với nhà giáo

Sáng nay, 20.11, đúng ngày kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

Phát biểu tại nghị trường, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nhận thấy, trong các cơ sở giáo dục công lập, bên cạnh các nhà giáo là viên chức, còn một bộ phận các nhà giáo thực hiện theo hợp đồng lao động, chưa được tuyển dụng viên chức. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật khi quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập cần quy định trường hợp nhà giáo là viên chức và trường hợp nhà giáo thực hiện theo hợp đồng lao động để bảo đảm bao quát tất cả các nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

z6049965637850-e351c075119ad5d1aaff752efc9ff373.jpg

Một trong những chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là “bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp” tại khoản 4, Điều 6 dự thảo Luật. Điều 8 về quyền của nhà giáo cũng quy định nhà giáo được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và phát triển nghề nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, mọi người đều được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể và việc bảo vệ này cũng không chỉ giới hạn trong hoạt động nghề nghiệp. Nhà giáo là một nghề đặc thù liên quan đến truyền thống, đạo lý tôn sư trọng đạo, vì vậy dự thảo Luật cần bổ sung những quy định đặc thù thể hiện sự tôn vinh, tôn trọng đối với nhà giáo.

Thảo luận tại hội trường sáng, 20.11 về dự án Luật Nhà giáo, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Chamaléa Thị Thủy thống nhất với chủ trương luôn xem giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước; việc chăm lo về chế độ, chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng. Đồng thời, đại biểu cho rằng quan tâm trước đến đội ngũ nhà giáo đang làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; giáo viên mầm non; giáo viên dạy cho các đối tượng khuyết tật.

Vai trò nhà giáo trước công nghệ số, công nghệ AI

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của các nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà, Báo Đại biểu Nhân dân có bài: Vai trò của nhà giáo trong kỷ nguyên số: Không bị thay thế mà được nâng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN nhấn mạnh, trên thực tế, nền giáo dục của chúng ta đang chuyển hướng, nhà giáo hiện không còn đóng vai trò là trung tâm của tri thức. Tuy nhiên, nhà giáo lại thực hiện rất nhiều vai trò, không đơn thuần là “người dạy chữ” mà phải biến mình trở thành nhà giáo dục, người dẫn đường, người truyền cảm hứng, động lực.

“Trí tuệ nhân tạo hay các phần mềm, dẫu có hiện đại nhất cũng chưa thể nào “dạy người” được tốt. Vì nhà giáo dục, các thầy cô giáo dục cho học trò bằng nhân cách của chính mình. Tất cả những giá trị như hoài bão, ước mơ, quan điểm, lập trường, khát vọng cống hiến, hay tình yêu thương, sự gắn kết với quê hương, cộng đồng, gia đình, mong muốn vượt khó và tạo ra những giá trị mới,... máy móc sẽ không thể giúp người học”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

467328398-977727494388878-8113590037869297574-n.jpg
Học sinh tri ân cô giáo ngày 20.11

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, để có thể giúp xây dựng cho người học trò những phẩm chất như có đam mê, hoài bão, có quan điểm, lập trường, có khát vọng cống hiến, có tình yêu thương,... chính người thầy phải tự rèn luyện tất cả những năng lực, phẩm chất đó. Muốn dạy cho học trò lòng yêu thương, thầy cô phải có lòng yêu thương. Muốn dạy cho học trò khát vọng cống hiến, bản thân thầy cô phải có khát vọng cống hiến. Hay muốn xây dựng cho thế hệ trẻ ước mơ, hoài bão, bản thân thầy cô cũng phải có ước mơ, hoài bão và chia sẻ với học trò những khát vọng này.

“Khi thầy cô có tất cả những phẩm chất như vậy, họ xứng đáng được tôn trọng, không chỉ từ phía các thế hệ học trò mà cả với xã hội”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cuối cùng PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định: “AI không thể nào đưa ra được mục tiêu giáo dục, AI không thể nào có nhân cách để giáo dục người học bằng nhân cách. Tình yêu thương không thể nào được giáo dục thông qua việc đọc mấy dòng chữ phản hồi từ một phần mềm trí tuệ nhân tạo. Tình yêu thương chỉ có thể hình thành, xuất phát từ tấm lòng yêu thương của chính các thầy, các cô”.

Cập nhật thông tin tuyển sinh năm 2025

Trong tuần qua, bên cạnh không khí hân hoan, phấn khởi, xúc động ngày tri ân những người thầy giáo, cô giáo cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục cập nhật các thông tin tuyển sinh năm 2025.

Ngày 22.11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo kế hoạch về Kỳ thi SPT - Kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực năm 2025. Theo đó, thời gian thi vào ngày 17-18.5.2025. Kết quả thi SPT chỉ có giá trị sử dụng xét tuyển đại học hệ chính quy trong năm tuyển sinh 2025.

Theo thông báo của nhà trường, sẽ có 4 địa điểm thi là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Thời gian đăng ký dự thi: từ 15.3 đến 15.4.2025.

Thời gian thi: Ngày 17-18.5.2025

Thời gian công bố điểm thi SPT: trước ngày 15.6.2025.

Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Như vậy năm nay, Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Theo Dự thảo, một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT, các chứng chỉ ngoại ngữ và các kết quả đánh giá khác), Bộ GD-ĐT quy định, tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm.

Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.

Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 Hà Nội: Không còn ba môn Lý, Hoá, Sinh

Theo kế hoạch tổ chức Kỳ thi học sinh giỏi thành phố các môn văn hóa lớp 9 của Sở GD-ĐT Hà Nội, kể từ năm học 2024-2025 sẽ có 7 môn: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tin học, Ngoại ngữ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội đối với môn Khoa học tự nhiên, các thí sinh làm bài theo hình thức trắc nghiệm, đề thi có 2 phần nội dung. Phần chung chiếm 20% tổng bài, là trắc nghiệm khách quan các dạng thức, nội dung này tất cả học sinh phải làm.

Tuy nhiên, tại phần riêng chiếm 80% tổng số nội dung, học sinh phải lựa chọn 1 trong ba mạch nội dung để làm bài thi. Ba mạch nội dung là Năng lượng và sự biến đổi (tương ứng với môn vật lý cũ); Chất và sự biến đổi của chất (tương ứng với môn hóa học cũ); Vật sống (tương ứng với môn sinh học cũ). Nội dung kiến thức cơ bản và chuyên sâu theo từng nội dung.

Tương tự, môn Lịch sử và Địa lí cũng có 2 phần chung, riêng; trong phần riêng thí sinh phải chọn thi 1 trong 2 mạch nội dung Lịch sử hoặc Địa lí.

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.