Tạo ra nhận thức mới về STEM
Cách đây 7 năm, các chuyên gia của Liên minh STEM chú ý tới nhóm phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đi dự Ngày hội STEM 2016 ở Hà Nội cả hai ngày, theo dõi các hoạt động trải nghiệm và hội thảo chuyên đề. Hỏi ra mới biết là các cô đến ngày hội không chỉ để tác nghiệp mà mục tiêu lớn hơn là thấu hiểu STEM là gì, nghề nghiệp STEM ra sao, giáo dục STEM như thế nào và vì sao lại phải thúc đẩy giáo dục STEM.
Thời điểm đó giáo dục STEM là một khái niệm còn rất mới mẻ, đang được du nhập vào xã hội Việt Nam, chưa phải nội dung của chương trình giáo dục phổ thông như hiện nay và đa số giáo viên, hiệu trưởng các trường phổ thông ở Hà Nội cũng chưa có điều kiện tiếp cận khái niệm này. Vì vậy, Ngày hội STEM là cơ hội hiếm có để phóng viên tiếp cận giáo dục STEM với các góc nhìn khác nhau, từ đó thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực này.
Chính vì cầu thị học hỏi như vậy nên sau đó trên Báo Đại biểu Nhân dân đã có loạt 4 bài về giáo dục STEM. Ngay trong bài đầu tiên đã có đoạn nhấn mạnh: “Kiến thức liên môn mà không khô khan, sáng tạo từ thực tiễn, càng làm càng hứng khởi… là điều có thể thấy ở các học sinh tham gia CLB nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Các tiết học nhờ vậy trở nên hấp dẫn hơn”. Đây chính là tinh thần quan trọng của giáo dục STEM, học đi đôi với hành. Tiếp theo là các bài nói về vai trò hướng nghiệp của giáo dục STEM; giáo dục STEM trong phát triển năng lực của học sinh; và vấn đề cốt lõi để thúc đẩy giáo dục STEM.
Các nội dung trưng bày, triển lãm, các lớp học trải nghiệm và 8 hội thảo trong hai ngày liền của Ngày hội STEM 2016 có khối lượng thông tin đồ sộ và mới mẻ nhưng những kiến thức và thông điệp quan trọng nhất đã được trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu trong 4 bài báo. Và cũng vì lý do đó nên 7 năm qua, các bài báo này thường được dùng làm nội dung tham khảo cho giáo viên của nhiều địa phương khi tập huấn nhập môn về giáo dục STEM.
Giai đoạn từ 2011 - 2021, việc thúc đẩy giáo dục STEM ở nước ta chủ yếu để tạo ra nhận thức mới và thử nghiệm các mô hình phù hợp chuẩn bị cho việc đưa cách tiếp cận của giáo dục STEM vào chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Vì vậy, những thông tin và chuyên đề về STEM trên Báo Đại biểu Nhân dân khi ấy đã góp phần giúp cộng đồng STEM hoàn thành nhiệm vụ này.
“Tiếng khèn” về giáo dục STEM vùng cao
Thời gian qua, những nỗ lực thúc đẩy giáo dục STEM ở vùng cao đã bước đầu có kết quả nhất định, đặc biệt là thay đổi nhận thức về sự cần thiết của giáo dục STEM. Các hoạt động trải nghiệm trong các ngày hội STEM ở nhiều nơi trên vùng cao đã cho thấy giáo dục STEM là thú vị, khả thi ngay cả khi chưa có ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thông tin về giáo dục STEM ở vùng cao rất khó khăn, nói vui là phải có duyên mới làm được. Lý do là chặng đường di chuyển rất xa, mỗi chuyến đi ít nhất là 2 - 3 ngày làm việc và thường di chuyển từ sáng sớm tới tối khuya. Hơn nữa vùng cao mưa nắng thất thường nên việc tham dự các ngày hội STEM ở các huyện còn khó khăn ở chỗ là lịch trình hay bị thay đổi.
Vì thế, việc phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có mặt tại Ngày hội STEM 2023 của Si Ma Cai (Lào Cai) - huyện biên giới nghèo nhất cả nước - cũng là một cái duyên. Để có nhiều thông tin hơn, thấu hiểu giáo dục STEM ở vùng cao hơn, phóng viên đã không ngại khó tham dự thêm Ngày hội STEM của Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái (Yên Bái). Chính vì được trực tiếp hòa mình vào không khí của hai ngày hội STEM vùng Tây Bắc nên sau chuyến đi này Báo Đại biểu Nhân dân đã có loạt bài Từ vùng cao địa lý thành “vùng cao” giáo dục STEM, một triết lý thể hiện quyết tâm vượt khó của vùng cao để đổi mới giáo dục. Không đắt, không khó, không khô, nội dung của bài báo không chỉ nêu lên tính khả thi của việc triển khai giáo dục STEM ở huyện Si Ma Cai, mà còn đưa ra bức tranh sinh động, như một “tiếng khèn” kể về giáo dục STEM vùng cao.
Ngoài những nội dung tầm cao như thi đấu lập trình robot của học sinh huyện Si Ma Cai, loạt bài còn dành thời lượng mô tả cuộc thi thiết kế cầu từ que kem của học sinh tiểu học. Đây là những nội dung chuyên môn có giá trị như những bài học mẫu mực theo chuyên đề quy trình thiết kế kỹ thuật trong giáo dục STEM, những bài học có chiều sâu tư duy, tầm cao trí tuệ nhưng lại không tốn chi phí, rất phù hợp với điều kiện khó khăn của vùng cao. Những việc xưa nay tưởng như bất khả thi như học sinh vùng cao làm sao có thể được học lập trình robot, làm sao nhân rộng được các mô hình này là những nội dung quan trọng đã được đúc kết có chủ ý như là một bài học.
Kết thúc loạt bài là ý kiến của GS. Park (ĐH Bang Illinois - Mỹ), một trong những chuyên gia STEM hàng đầu của Mỹ, người đã được mời tham gia giảng dạy và cố vấn cho một số nước như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam… GS. Park cho rằng, Việt Nam đã đủ mọi điều kiện để thúc đẩy giáo dục STEM trên diện rộng và có thể làm tốt việc đó nếu như có kế hoạch tổng thể quốc gia cho giáo dục STEM. GS. Park có một chút bất ngờ khi những ý kiến thẳng thắn của mình được đăng trên báo của Quốc hội Việt Nam, song vô cùng phấn khởi vì tin tưởng rằng bài báo sẽ có ích cho tương lai lâu dài của Việt Nam, một đất nước tươi đẹp mà ông luôn tin rằng sẽ phát triển giáo dục STEM vượt trội trong tương lai.
Loạt bài Từ vùng cao địa lý thành “vùng cao” giáo dục STEM lại tiếp tục được dùng trong các chương trình tập huấn STEM dành cho giáo viên và hiệu trưởng ở nhiều nơi. Có thể nói đây là một loại học liệu về giáo dục STEM quan trọng trong thời đại chuyển đổi số. Với những thông tin thực sự hữu ích như các bài giảng chuyên đề về STEM, Báo Đại biểu Nhân dân đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam.
Trong bối cảnh giáo dục STEM đã được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hoạt động STEM đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, mong rằng Báo Đại biểu Nhân dân có nhiều bài viết hơn nữa về chủ đề này, nhất là các thông tin về triển khai giáo dục STEM ở nông thôn và vùng cao, trong đó có hoạt động tập huấn giáo dục STEM cho giáo viên và hiệu trưởng.