Tích cực, chủ động đóng góp vào những sự kiện trọng đại
Là thành viên của AIPO và nay là AIPA, Quốc hội Lào luôn chủ động tham gia các hoạt động của Hội đồng Liên Nghị viện, tích cực đóng góp tại các kỳ họp của Đại hội đồng AIPA, nơi các nghị sĩ đại diện cho người dân ASEAN thảo luận các vấn đề khu vực, bao gồm hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, hòa bình và an ninh; các hội nghị chuyên đề, hội nghị cấp Ủy ban. Tại các kỳ Đại hội đồng, Quốc hội Lào chủ động đóng góp vào xây dựng các nghị quyết và sáng kiến chung, đặc biệt là về các chủ đề liên quan đến phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.
Sự tích cực và trách nhiệm của Lào còn được thể hiện qua việc Lào đã 3 lần giữ vai trò Chủ tịch AIPO/AIPA, cũng như đăng cai thành công nhiều kỳ Đại hội đồng AIPA, thể hiện vai trò lãnh đạo và cam kết của mình đối với hợp tác khu vực.
Lào đã giữ vai trò Chủ tịch AIPO-26 năm 2005. Tại Đại hội đồng AIPO-26 diễn ra tại Thủ đô Vientiane, các nghị viện thành viên AIPO đã thông qua Nghị quyết quan trọng về việc thành lập Ủy ban đặc biệt chịu trách nhiệm chuyển đổi AIPO thành một thể chế hiệu quả và tích hợp chặt chẽ hơn (Nghị quyết số 26GA/2005/Org/05).
Theo Nghị quyết này, Ủy ban đặc biệt AIPO đã thực hiện nhiệm vụ xây dựng một quá trình chuyển đổi cho AIPO nhằm bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp của AIPO. Quá trình chuyển đổi này được coi là điều kiện tiên quyết để AIPO hoạt động tốt hơn với tư cách là một tổ chức có thể mang lại các cơ hội, giải quyết thách thức trong khu vực, đặc biệt là về việc thành lập Cộng đồng ASEAN. Tại phiên bế mạc Đại hội đồng AIPO-27, diễn ra ở Philippines vào tháng 9.2006, AIPO chính thức đổi tên thành Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).
Tháng 9.2014, Lào đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-35 tại Vientiane với việc thông qua một số văn kiện và nghị quyết quan trọng nhằm tăng cường vai trò của AIPA trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hơn 300 đại biểu từ các quốc gia thành viên AIPA, các đối tác phát triển và các khách mời khác đã tham dự AIPA lần thứ 35 tại Vientiane, nơi Lào được đánh giá cao vì những nỗ lực đăng cai thành công sự kiện này.
Trong những ngày tới, Lào sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ nhà quan trọng khi đăng cai Đại hội đồng AIPA-45, sự kiện quan trọng trong năm Chủ tịch AIPA của Lào.
Thành công trong các lần giữ vai trò Chủ tịch AIPA đã nhấn mạnh vai trò tích cực của Quốc hội Lào trong việc định hình chương trình nghị sự lập pháp cho khu vực và nêu bật tầm quan trọng của các thể chế lập pháp trong việc đạt được các mục tiêu của ASEAN.
Thúc đẩy ngoại giao nghị viện khu vực
AIPA cung cấp nền tảng cho Quốc hội Lào tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao nghị viện, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Quốc hội các nước thành viên ASEAN khác cũng như cơ quan lập pháp của các nước quan sát viên. Thông qua AIPA, Quốc hội Lào tham gia vào các cuộc đối thoại nhằm giải quyết các tranh chấp khu vực và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Các đại biểu Quốc hội Lào tại AIPA đã sử dụng diễn đàn này để thúc đẩy các cuộc thảo luận về phát triển bền vững của sông Mekong. Đây là vấn đề quan trọng đối với Lào và các nước láng giềng.
Thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lập pháp
Thông qua AIPA, Quốc hội Lào tăng cường hợp tác với Quốc hội các nước thành viên khác để hài hòa hóa pháp luật và quy định phù hợp với tầm nhìn của ASEAN, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hội nhập kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững.
Các ủy ban làm việc của AIPA, bao gồm các thành viên của Quốc hội Lào, làm việc để tạo ra các khuôn khổ pháp lý thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư và hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN.
Củng cố và thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN
Trong những năm qua, cùng với các thành viên khác trong AIPA, Quốc hội Lào đã góp phần tích cực củng cố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Đặc biệt, Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 do Lào đăng cai trong tháng 9.2024, đã đạt được những kết quả quan trọng với việc thông qua 91 văn kiện, gồm cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc tăng cường kết nối, nền kinh tế số và khả năng phục hồi khí hậu. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong ngoại giao khu vực và tầm quan trọng của năng lượng sạch, số hóa và kết nối giữa người dân với người dân. Hội nghị đã giúp khơi nguồn sức mạnh tự cường, khơi thông tiềm năng kết nối, không chỉ làm sâu sắc kết nối nội khối, khơi dậy khát vọng tương lai cho khu vực.
Từ ngày 17 - 23.10 tới, Quốc hội Lào sẽ chủ trì Đại hội đồng AIPA-45 với chủ đề “Vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng ASEAN”. Đại hội đồng AIPA-45 sẽ có 12 cuộc họp, xem xét và thông qua 38 dự thảo nghị quyết, trong đó 4 nghị quyết về chính trị, 8 về kinh tế, 5 về xã hội, 2 về phụ nữ, 3 về thanh niên và 16 nghị quyết về công tác tổ chức. Đại hội đồng AIPA-45 sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung trong khu vực và toàn cầu để tăng cường các kết nối trong ASEAN và liên kết ASEAN với các khu vực khác để tăng cường nền kinh tế ASEAN, khoảng cách phát triển chặt chẽ, cải thiện đời sống của người dân và cùng nhau tiến lên mà không để lại ai phía sau.
Những đóng góp của Quốc hội Lào trong AIPA suốt 27 năm qua và đặc biệt, Đại hội đồng AIPA-45 lần này đã và sẽ góp phần thiết lập những khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện cho hiện thực hóa các mục tiêu trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN trong tương lai.
Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) được thành lập ngày 2.9.1977, đúng 10 năm sau khi ASEAN được hình thành, với tên gọi khi đó là Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO).
Tại phiên bế mạc Đại hội đồng AIPO lần thứ 27, diễn ra ở Cebu, Philippines vào tháng 9.2006, AIPO chính thức đổi tên thành Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA). Hiện AIPA gồm 10 thành viên, là Quốc hội của 10 nước ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và 16 Quốc hội quan sát viên.