“Vênh” giữa chương trình học và đề thi đại học
"Kỳ thi đại học không phải là cách đánh giá công bằng. Kết quả điểm của các bài kỳ thi Suneung phụ thuộc vào khả năng theo học các lò luyện thi tư nhân", Lee Yoon-kyoung, Giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia vì Giáo dục chân chính cho biết. Bà Lee Yoon-kyoung giải thích, trong khi trường học bám sát chương trình giảng dạy do Chính phủ quy định, thì câu hỏi trong bài thi Suneung lại vô cùng khác biệt và không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác kiến thức ở trường.
Đặc biệt là trong hệ thống câu hỏi của đề thi đại học, có những câu cực kỳ khó được dùng để xếp loại học sinh khá giỏi, còn được gọi là “câu hỏi sát thủ” nhưng thường không có trong chương trình học chính khóa. Đây thường là những bài toán đòi hỏi kết hợp nhiều khái niệm toán học hay yêu cầu phân tích những trích đoạn văn học khó hiểu, hàn lâm.
Thực tế đã xảy ra tình trạng thông đồng giữa lĩnh vực công và tư trong quá trình ra đề thi cũng như tạo ra sự vận hành của cả một hệ thống các trung tâm luyện thi khi một số nhà giáo dục chịu trách nhiệm biên soạn đề thi đại học đã bị cáo buộc bán các bộ đề câu hỏi gồm các câu hỏi siêu khó này, chủ yếu dựa trên chương trình giảng dạy của các trường đại học, cho các lò luyện thi ngoài hoặc bản thân người ra đề được các trung tâm luyện thi thuê làm giáo viên.

Ảnh: INT
Để có thể giải được những câu hỏi siêu khó này, đa số học sinh phải học tại các trung tâm luyện thi tư nhân. Sau khi tan học ở trường, các em đến thẳng lớp học thêm buổi tối, tiếp tục học tới sáng sớm. "Hagwon phổ biến tới mức năm 2022, 78,3% học sinh ở 3 cấp học của Hàn Quốc đều tham gia. Thậm chí, học sinh lớp 12 còn thường xuyên kiếm cớ nghỉ học chính khóa chỉ để dành nhiều thời gian hơn ở các trung tâm luyện thi và học thêm hoặc phổ biến tình trạng học sinh cuối cấp bỏ học để ôn thi Suneung toàn thời gian.
Theo Cơ quan Thống kê giáo dục Hàn Quốc, trong số 509.821 học sinh thi Suneung năm 2022, 14.277 em đã bỏ học hoặc không đi học thường xuyên. Giám đốc Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia vì Giáo dục chân chính Lee Yoon-kyoung cho rằng, nghịch lý khi học sinh đến lớp chính khóa để làm bài tập của lớp luyện thi, hoặc ngủ quên trên lớp chính khóa do phải học thêm quá khuya là chuyện phổ biến”. "Ở khía cạnh nào đó, kỳ thi đại học đang phá hủy nền giáo dục công lập", bà Lee Yoon-kyoung nói.
Trả lại một kỳ thi công bằng
Để chấn chỉnh tình trạng này, siết chặt quy định đối với hoạt động dạy thêm, học thêm - một áp lực khủng khiếp với các gia đình, vào tháng 7.2023, Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm thúc đẩy "Kỳ thi tuyển sinh đại học công bằng tập trung vào giáo dục công”, cụ thể như sau:
Từ kỳ thi vào tháng 11.2023, đề thi Suneung chỉ tập trung vào kiến thức được dạy trong trường công, không đưa vào các câu hỏi đánh đố hoặc đòi hỏi kiến thức chuyên sâu. Nội dung cải cách cũng bao gồm thay đổi cấu trúc và số lượng môn thi, chẳng hạn như tích hợp các môn tự chọn (như Toán nâng cao, Ngoại ngữ 2) và giảm số môn thi từ 8 xuống 5 nhằm giảm tải cho thí sinh. Để giám sát quá trình ra đề thi, một hội đồng gồm 25 giáo viên trung học có kinh nghiệm được thành lập chịu trách nhiệm thiết kế đề thi công bằng hơn.
Bộ Giáo dục cho biết: “Chúng tôi muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn của học thêm, điều làm tăng gánh nặng cho phụ huynh và xói mòn tính công bằng của giáo dục”. Trong tuyên bố, Bộ Giáo dục đã chỉ trích “văn hóa hagwon”, cáo buộc đây là cách các trung tâm giáo dục tư nhân kiếm lời từ nỗi lo của học sinh và phụ huynh.
Đánh giá kết quả cho thấy khá tích cực khi năm 2023, số học sinh đạt điểm tuyệt đối trong bài thi thử Toán tăng 2.7 lần so với năm trước. Quyết định này cũng bước đầu nhận được sự ủng hộ của phụ huynh khi giúp tháo gỡ áp lực chi phí học thêm cũng như áp lực học tập của học sinh.
Nỗ lực kiểm soát hoạt động dạy thêm
Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống giáo dục cạnh tranh cao, dẫn đến nhu cầu học thêm lớn; để quản lý hoạt động này, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt, tập trung vào các điểm sau:
Đầu tiên, giáo viên công lập không được phép dạy thêm ngoài giờ cho học sinh đang học tại trường giáo viên đang công tác, nhằm tránh xung đột lợi ích và bảo đảm chất lượng giảng dạy chính khóa. Vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, bao gồm thu hồi giấy phép giảng dạy. Giáo viên tại các trung tâm dạy thêm tư nhân được phép dạy nhưng phải tuân thủ quy định về bằng cấp và giờ học trong ngày.
Thứ hai, kiểm soát giờ giấc dạy thêm. Năm 2008, Hàn Quốc áp dụng luật cấm dạy thêm sau 22 giờ để bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, do áp lực của kỳ thi vẫn rất lớn, nên các phụ huynh phản ứng mạnh mẽ với quy định này. Năm 2021, quy định này được nới lỏng, cho phép học thêm đến 23 giờ.
Tuy nhiên, việc cấm dạy thêm trong trường công trong khi kỳ thi đại học vô cùng khốc liệt cũng là một phần lý do làm bùng nổ những trung tâm luyện thi tư nhân. Quyết định loại bỏ những câu hỏi khó trong kỳ thi đại học là bước đi cải cách mang tính cách mạng, song vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh chính sách này. Đặc biệt là các phụ huynh đã bỏ ra rất nhiều chi phí cho con học thêm đã chỉ trích đây là chính sách “cào bằng”, khó đánh giá được học sinh vượt trội. Bên cạnh đó, tình trạng dạy thêm, luyện thi vẫn tồn tại vì nỗi lo của phụ huynh vẫn còn đó khi sợ rằng con họ không vào được trường đại học top đầu.
Một số chuyên gia cho rằng loại bỏ những câu hỏi không nằm trong chương trình giảng dạy chính khóa chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề. Để giải quyết tận gốc, cần có những thay đổi sâu rộng hơn từ văn hóa đến các chính sách kinh tế - xã hội, trong đó phải cải thiện văn hóa tuyển dụng chú trọng bằng cấp.
Trước những phản ánh này, Chính phủ Hàn Quốc cam kết tiếp tục có các biện pháp cải cách giáo dục toàn diện, bao gồm: mở rộng chương trình phụ đạo công lập để giảm phụ thuộc vào hagwon; cải cách thị trường lao động theo hướng giảm yêu cầu bằng cấp để tạo cơ hội việc làm đa dạng; thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp nhằm giảm áp lực vào đại học.