Các đại biểu Quốc hội
Điều 45 Luật Tổ chức Quốc hội Lào quy định: đại biểu Quốc hội là người đại diện ý chí và nguyện vọng của toàn thể các dân tộc Lào, do cử tri Lào trực tiếp bầu ra. Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội Lào là 5 năm được tính từ Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa đó đến Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa sau. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội Lào sẽ tổ chức bầu đại biểu bổ sung và nhiệm kỳ của đại biểu này cũng kết thúc cùng với nhiệm kỳ của Quốc hội Lào.
Cuộc bầu cử Quốc hội Lào Khóa IX diễn ra ngày 21.2.2021 đã bầu ra 164 đại biểu Quốc hội, trong đó 158 đại biểu là thành viên Đảng NDCM Lào. Trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên, đồng chí Saysomphone Phomvihane được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Những năm qua, số lượng đại biểu Quốc hội Lào không ngừng tăng lên, từ đó tăng cường chức năng đại diện của Quốc hội. Cơ quan lập pháp khóa đầu tiên bao gồm 45 thành viên, trong đó có 4 nữ đại biểu. Quốc hội Khóa IX gồm 164 thành viên, trong đó có 36 đại biểu nữ (21,95%). Hiện nay, Quốc hội Lào ngày càng mở rộng vai trò, chức năng theo quy định của Luật Quốc hội ban hành năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2015.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Vào đầu mỗi khóa lập pháp, Quốc hội Lào bầu ra cơ quan điều hành của mình là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm nhiệm công việc của Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp. Khác với cơ quan thường trực hoặc cơ quan điều hành của các Nghị viện khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào được trao quyền lực rộng lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa IX hiện nay gồm 15 thành viên.
Các Ủy ban
Quốc hội Lào Khóa IX có 9 Ủy ban bao gồm: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán; Ủy ban Văn hóa - Xã hội; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Về các vấn đề Hiến pháp.
Ngoài ra, còn có Ban Thư ký và các Tổ đại biểu Quốc hội tại 18 khu vực bầu cử. Theo sự cho phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào, Viện Nghiên cứu pháp luật cũng đã được thành lập.
Một số thành tựu lập pháp nổi bật
Những thành tựu và hoạt động nổi bật của Quốc hội Lào khóa trước là những bài học kinh nghiệm quý báu cho các khóa Quốc hội tiếp sau cũng như các kỳ họp sau này. Mỗi kỳ họp của Quốc hội đều ban hành luật pháp, quy định phù hợp với tốc độ phát triển của đất nước. Điều này đã củng cố niềm tin của nhân dân Lào đối với Đảng NDCM Lào cũng như niềm tin vào thể chế, vốn luôn chú trọng bảo đảm quyền, nghĩa vụ chính đáng, hợp pháp cho mọi người dân trong xã hội Lào.
Đến nay, Quốc hội Lào đã ban hành hơn 150 luật, nhiều luật đã được sửa đổi phù hợp với thực tế và hoàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Lào. Đơn cử, năm 2015, Quốc hội Lào đã thông qua những sửa đổi quan trọng đối với Hiến pháp năm 2003 để củng cố thể chế nhà nước, hệ thống pháp quyền. Những thay đổi này bao gồm các điều khoản tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, tăng cường bảo vệ quyền con người.
Một trong những thành tựu lập pháp quan trọng khác là việc thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi (2017) và Bộ luật Dân sự (2018), đánh dấu bước cải cách đáng kể trong hệ thống pháp luật, đưa khuôn khổ pháp lý của Lào phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm các lĩnh vực như tư pháp hình sự, tranh chấp dân sự và bảo vệ nhân quyền.
Để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, Quốc hội Lào thông qua Luật Khuyến khích đầu tư (sửa đổi năm 2016), cung cấp các ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình và các quy định rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng và nông nghiệp.
Thông qua các nỗ lực lập pháp này, Quốc hội Lào đã đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, điều chỉnh luật pháp của đất nước phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và hướng Lào tới phát triển bền vững.