Đất đai luôn là vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm. Đây là vấn đề “nóng” ở nhiều cuộc hội thảo, ở các diễn đàn khi thảo luận về vấn đề chính sách đất đai. Những “lỗ hổng” trong các quy định của pháp luật về đất đai là mảnh đất màu mỡ cho các tiêu cực, tham nhũng phát sinh.
Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Nhận định về tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ rõ: quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, những tồn tại, hạn chế này có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật còn một số bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, còn có cả nguyên nhân từ việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ Ba, dự kiến vào tháng 5.2022, và cho ý kiến lần 2 vào Kỳ họp thứ Tư, dự kiến vào tháng 10.2022. Quốc hội cũng xác định, sửa Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của nhiệm kỳ Khóa XV này.
Thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ Ba không còn nhiều, do đó cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần phải dồn lực cho việc sửa đổi đạo luật quan trọng này. Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường, tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Muốn vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân khi sửa đổi Luật này. Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm đều phải cố gắng lắng nghe càng nhiều càng tốt, hết sức cầu thị, không để lỡ cơ hội lắng nghe được nhiều nhất các ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai.