Festival Huế hướng về cộng đồng và vì cộng đồng

Festival đã trở thành mối quan tâm chung của người Huế, từ thành phố đến nông thôn, miền núi, từ học sinh, sinh viên đến các tiểu thương… Họ háo hức chờ đón Festival, lên lịch theo dõi các sự kiện và góp sức để Festival thành công.

Mang nghệ thuật đến “khán giả đặc biệt”

10 giờ sáng, không khí tại Bệnh viện Trung ương Huế sôi động hơn thường ngày. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nếu không xuống được “sân khấu” ở tầng 1 thì cũng cố ra hành lang, hướng về nơi ban nhạc Amigos của Mỹ đang trình diễn. Nhiều bác sĩ tranh thủ lấy điện thoại ghi lại khoảnh khắc thú vị này.

anh-2-6564.jpg
Các nghệ sĩ ban nhạc Amigos trình diễn tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: ĐSPL

7 bài hát trong khoảng một tiếng đồng hồ, nghệ sĩ say sưa đàn, hát, khán giả nhiệt tình cổ vũ, mọi đau đớn, lo lắng dường như tan biến. Các ca khúc thuộc dòng nhạc blue, jazz, rock’n’roll, country được Amigos trình diễn đầy ngẫu hứng, kết thúc bằng câu I don’t want to leave Hue (Tôi không muốn rời xa Huế) trong tiếng vỗ tay không ngớt…

Đây là một phần trong chương trình biểu diễn cộng đồng của Festival Huế 2014 mà tôi may mắn được tham dự. Ngoài Amigos, năm đó, Nhà hát thiếu nhi La Colmenita (Cuba) và một số nghệ sĩ Việt Nam cũng đến biểu diễn phục vụ các bệnh nhân, đem không khí lễ hội vào bệnh viện, như một liều thuốc tinh thần, giúp xoa dịu nỗi đau thể xác mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu.

festival-hue-4748.jpg
Đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji (Nhật Bản) biểu diễn phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế tháng 6.2024. Ảnh: BVH

Được biết trong nhiều kỳ Festival Huế đều tổ chức cho nghệ sĩ trong và ngoài nước đến biểu diễn cho đối tượng khán giả đặc biệt này. Năm 2012 là nữ ca sĩ Mary McBride và ban nhạc đồng quê của cô, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, ban nhạc Cỏ lạ và đoàn nghệ thuật Raduga của Nga. Tại Festival Huế 2024 vừa qua, đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji (Okinawa, Nhật Bản) đã mang đến những màn biểu diễn trống, lân, múa dân gian…

Nhìn thấy những đôi mắt cười của khán giả, đó là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ biểu diễn. Ai cũng mong các tiết mục của mình sẽ góp phần xoa dịu cơn đau và động viên người bệnh lạc quan hơn để chiến đấu với bệnh tật.

Không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa các nền văn hóa hay các đoàn nghệ thuật, một trong những khác biệt của Festival Huế chính là tổ chức các chương trình cộng đồng ý nghĩa, nhân văn như thế.

Nhân dân - chủ thể sáng tạo và thụ hưởng

Với chủ trương chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân dân và khách du lịch vừa là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể thụ hưởng, Festival Huế không ngừng mở rộng không gian diễn xướng và không gian lễ hội, với mục tiêu đưa Festival về cộng đồng và vì cộng đồng.

2024-6-13-dulich1-1718266191135-7977.jpg
Festival Huế không ngừng mở rộng không gian diễn xướng và không gian lễ hội. Ảnh: BTC

Không chỉ vào bệnh viện, các đoàn nghệ thuật tham dự Festival Huế còn tăng cường về biểu diễn tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ Hương Trà, Hương Thủy đến Phong Điền, Phú Vang, Lăng Cô và thậm chí cả vùng miền núi A Lưới, Nam Đông...

Phước Tích nhộn nhịp với lễ hội Hương xưa làng cổ. Cầu ngói Thanh Toàn sôi động với Chợ quê ngày hội. Ngư dân có lễ hội cầu ngư Phong Hải biển nhớ... Vai trò chủ thể của người dân càng đậm nét hơn. Họ vừa là diễn viên, người tổ chức, phục vụ, đồng thời là đối tượng thụ hưởng chính của lễ hội.

bm3-1-6227.jpg
Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" trong khuôn khổ Festival Huế 2024. Ảnh: Thái Bình

Có thể nói, Festival giờ đã có mặt hầu khắp các địa bàn tại Thừa Thiên Huế, đến với đông đảo công chúng. Nhân dân được hòa mình vào không khí lễ hội, tìm hiểu nét văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của các quốc gia khắp 5 châu lục. Nhờ Festival, họ mới có cơ hội được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, được xem nhiều chương trình nghệ thuật hay như vậy.

Cũng nhờ Festival, người dân được trình diễn, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của mình, từ lễ hội truyền thống đến sản phẩm làng nghề... đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế; từ đó tác động trở lại để họ thấy trân quý hơn văn hóa, truyền thống của mình và có thức gìn giữ, phát huy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi hướng lễ hội, hoạt động văn hóa đến cộng đồng, người dân và du khách; để nhân dân thật sự là chủ thể sáng tạo, là đối tượng thụ hưởng của Festival. Rất mừng là từ năm 2022, khi thay đổi theo xu thế này, người dân Huế và du khách, doanh nghiệp rất hoan nghênh. Họ được tiếp cận trực tiếp với các loại hình nghệ thuật, lựa chọn trải nghiệm các hoạt động lễ hội theo cách thoải mái nhất”.

Lễ hội mùa Đông, Mùa Đông xứ Huế, trong khuôn khổ Festival Huế 2024 sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12. Dự kiến sẽ có các hoạt động: Liên hoan Nghệ thuật cung đình châu Á; Phụ nữ Huế với nghệ thuật ẩm thực; Wellness Festival - Tuần lễ chăm sóc sức khỏe Huế; Tuần lễ Âm nhạc Huế 2024; Chương trình Countdown.

Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ, tri ân và cùng nhau bứt phá
Văn hóa - Thể thao

Gặp gỡ, tri ân và cùng nhau bứt phá

Giải “Eximbank Golf Tournament 2024 – Lần thứ 2” đã chính thức diễn ra tại sân Heron Lake Golf Course & Resort, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 35 năm thành lập Eximbank (17.1.1990 – 17.1.2025), một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển và khẳng định vị thế của ngân hàng.

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.