Soi chiếu giá trị
Hơn 20 năm trước, trong bài đăng trên Tạp chí sông Hương với nhan đề “Tiếng Việt có thêm một từ: Festival”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh viết: “Vậy là Huế đã có thể chính thức trở thành một thành phố Festival. Những thành phố như vậy trên thế giới có nhiều: Avignon ở Pháp, Barcelona ở Tây Ban Nha, Venise ở Ý... Nhưng không ở đâu có một dòng sông trong vắt và xanh biếc chảy giữa lòng thành phố như ở đây. Không ở đâu con người cảm thấy gần gũi với thiên nhiên như ở đây”.
Là kinh đô của triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam với 143 năm tồn tại, Huế lưu giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, độc đáo, bao gồm hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng, tẩm, phủ đệ, cảnh quan thiên nhiên, nhà vườn, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật âm nhạc và lễ hội truyền thống đặc sắc…
Có thể soi chiếu giá trị và sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này qua Festival Huế. 24 năm qua, Festival Huế có thể có những chủ đề khác nhau, từ "Huế - Thành phố của nghệ thuật sống" (2000); "Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế" (2002) đến "700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế" (2006); "Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử" (2012); "710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế" (2016) và "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" (2004, 2008, 2010, 2014, 2022, 2024)... song đều dựa trên trục chính là bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa cố đô.
Festival Huế được đánh giá thể hiện ngày càng đẹp, thấm đượm những đặc trưng văn hóa sâu lắng của dân tộc, sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu của Huế và mang thêm nhiều nét hiện đại thông qua sáng tạo văn hóa. Các chương trình nghệ thuật từ nhã nhạc cung đình Huế, đến các buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại... kết nối, hòa quyện với hệ thống quần thể kiến trúc, không chỉ giúp bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện để chúng được cộng hưởng và lan tỏa.
Đặc biệt, từ năm 2022, Festival Huế được xây dựng theo định hướng bốn mùa, tổ chức chuỗi sự kiện, lễ hội diễn ra liên tục trong cả năm nhằm khai thác tối đa những yếu tố văn hóa, địa lý, lịch sử đặc sắc của Huế gắn với lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo... Theo đó, những nỗ lực bảo tồn, phục hồi di sản được tiến hành song song với quảng bá, phát huy giá trị di sản.
Làm song song hai nhiệm vụ
Dẫn chứng trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết tỉnh luôn chú trọng thực hiện song song hai nhiệm vụ: bảo tồn và phát huy các di sản vốn rất đa dạng, phong phú. Bởi lẽ, để di sản tồn tại bền vững, bên cạnh nghiên cứu, sưu tầm và phục hồi, quan trọng nhất là làm nó sống trong đời sống đương đại thông qua cách khai thác, phát huy các giá trị một cách phù hợp.
Chẳng hạn, lễ tế giao được các vua Nguyễn tổ chức hàng năm vào mùa Xuân, từ năm 1890 trở đi, 3 năm tổ chức một lần. Tại Festival Huế 2004, lần đầu tiên sau hơn 60 năm, lễ hội Nam Giao đã được phục dựng, tái hiện, thu hút sự chú ý của công chúng. Nhã nhạc, tuồng cung đình và múa hát cung đình cũng đồng thời được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) và Nhà hát Minh Khiêm Đường (lăng vua Tự Đức) nhằm mục đích giới thiệu, lan tỏa rộng rãi những di sản này.
Không chỉ tái hiện truyền thống, chất liệu của các di sản văn hóa cũng được sử dụng, lồng ghép trong các hoạt động, chương trình nghệ thuật của Festival Huế để đưa di sản đến gần với công chúng…
Nhiều ý kiến cho rằng theo thời gian, Festival Huế ngày càng khẳng định thương hiệu, trở thành lăng kính soi rọi những giá trị cố đô, thể hiện uy tín và thế mạnh của một trung tâm văn hóa có di sản thế giới độc đáo, gắn với hội nhập và phát triển.
Như lời Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhận định tại Lễ Khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, những tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Những giá trị, di sản văn hóa và con người ngày một được gìn giữ và quảng bá một cách phong phú, đặc biệt là 8 Di sản thế giới đã được công nhận.
“Nhiều công trình văn hóa, di sản, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc được trùng tu, phục dựng, tạo nên những nét văn hóa hấp dẫn mới đối với cả du khách trong nước và quốc tế. Các hình thức biểu đạt văn hóa mới và công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được phát huy. Thừa Thiên Huế do đó ngày càng thể hiện là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực”, ông Lê Hoài Trung nói.