Cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, trải nghiệm công nghệ
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sau Covid-19 nhu cầu và hành vi của du khách thay đổi đáng kể. Du khách hiện nay chú trọng nhiều hơn đến an toàn và chất lượng dịch vụ khi lựa chọn điểm đến. Áp lực cạnh tranh trong ngành cũng tăng cao, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng dịch vụ.
Phân tích xu hướng chủ đạo của du lịch năm 2025 cho thấy sự phát triển của mô hình lưu trú kết hợp công nghệ và tiêu chuẩn dịch vụ mới. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, để ngành du lịch phát triển bền vững, ngoài yếu tố nhân sự, việc sử dụng công nghệ và AI đóng vai trò quan trọng. Thế nhưng, theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, nước ta vẫn còn chậm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành nghề, đặc biệt là du lịch. Trong số 40.000 doanh nghiệp du lịch, có tới 17.000 - 18.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa áp dụng chuyển đổi số.

Từ thực tế đó, VITM Hà Nội 2025 (ngày 10 - 13.4, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội) dự kiến tổ chức gian hàng giới thiệu một số thành công của chương trình chuyển đổi số, các ứng dụng tiêu biểu của AI, robot trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch nhằm cải thiện trải nghiệm du khách và tối ưu hóa quản lý ngành. Ông Vũ Thế Bình kỳ vọng, việc mở gian hàng tại VITM 2025 sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
VITM Hà Nội 2025 được tổ chức từ ngày 10 - 13.4, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE Hà Nội, với 450 gian hàng, thu hút 60 cơ quan xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, 8 hãng hàng không, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 600 doanh nghiệp. Với chủ đề “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam”, VITM Hà Nội 2025 sẽ lan tỏa mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Tại gian hàng này, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, đại diện các địa phương, điểm đến, khách tham quan sẽ được trực tiếp thao tác, nghe giới thiệu về công nghệ và AI trong việc tối ưu hóa trải nghiệm du khách; tương tác với robot phục vụ trong nhà hàng, khách sạn; kết nối với các lĩnh vực, các ngành, sản phẩm cũng như các vùng, miền để mở rộng khái niệm du lịch.
Ứng dụng trong nhiều hoạt động
Khảo sát tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cho thấy, việc ứng dụng công nghệ, AI có thể được thực hiện ở mọi công đoạn, từ xây dựng sản phẩm đến quảng bá, xúc tiến, quản lý, điều hành... nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và làm hài lòng khách hàng. Tại nhiều điểm đến du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) hoặc thực tế ảo (VR), trạm tương tác thông minh (TapQuest)... để tăng trải nghiệm cho khách tham quan.
Bà Bùi Thục Anh, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hy vọng, cho biết, doanh nghiệp này đang tập trung ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và hoạt động kinh doanh, trong đó đặc biệt chú trọng sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. AI đã được ứng dụng trong xây dựng phần mềm đặt vé trực tuyến, quảng cáo điểm đến và dịch vụ đặt phòng tiện ích, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ du lịch.
Công ty CP Mặt trời châu Á cũng đã sử dụng AI trong các hoạt động marketing và truyền thông. Bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Công ty, cho biết, đơn vị đang ứng dụng AI để thiết kế sản phẩm, xây dựng video, hình ảnh quảng cáo, cũng như cải thiện quy trình làm việc của phòng kế toán và nhân sự. Trong tương lai, sẽ tiếp tục sử dụng AI và robot để nâng cao trải nghiệm của du khách.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa áp dụng chuyển đổi số, nhưng có thể thấy công nghệ đã thực sự xuất hiện trong mọi khía cạnh của ngành du lịch, đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cá nhân hóa trải nghiệm của du khách, làm cho hành trình du lịch trở nên thú vị và hiệu quả hơn.