Cần có hệ sinh thái để tạo ra chuỗi giá trị
Kinh tế tư nhân không chỉ cần được nhìn nhận là nhà đầu tư, mà cần được xem là đồng kiến tạo tương lai văn hóa Việt Nam. Họ xuất hiện như một lực lượng năng động, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Với khả năng huy động vốn linh hoạt, tư duy thị trường, doanh nghiệp tư nhân đã làm thay đổi diện mạo nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển văn hóa càng trở nên nổi bật và cần thiết hơn bao giờ hết khi trở thành lực lượng tiên phong đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng những bước đi sáng tạo và linh hoạt.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội, chia sẻ, mới đây khi MV Bắc Bling của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt, ông rất vui vì sản phẩm không dừng lại ở giá trị nghệ thuật mà mang tiềm năng quảng bá hình ảnh địa phương trên phạm vi toàn cầu. Các bối cảnh xuất hiện trong MV là những điểm đến hấp dẫn, kích thích du lịch và tạo ra chuỗi giá trị liên kết với các ngành công nghiệp khác. Nếu biết khai thác đúng cách, các địa phương hoàn toàn có thể biến những sản phẩm âm nhạc thành công cụ truyền thông mạnh mẽ, gắn kết du khách với trải nghiệm văn hóa địa phương, từ trang phục, ẩm thực đến nghệ thuật dân gian.
"Công nghiệp văn hóa nếu biết kết hợp sẽ vô cùng năng động, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển văn hóa. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta có thêm nhiều Bắc Bling, nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật khác để cùng nhau mơ ước về ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Trở lại câu chuyện từ nhiều năm trước, Tổng Giám đốc Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam Nguyễn Thị Quý Phương kể, trong một buổi làm việc với thanh niên, bà từng băn khoăn làm thế nào để thanh niên tham gia làm văn hóa, kinh doanh văn hóa. Bấy giờ khái niệm về doanh nghiệp văn hóa còn mơ hồ song vẫn có một số sinh viên đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa cho riêng mình. Và họ đã phải đi một chặng đường dài để đưa văn hóa trở thành sản phẩm công nghiệp.
“Tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa thì nhiều, cộng đồng làm sáng tạo lại cá tính, có trình độ tiệm cận thế giới. Tuy nhiên, nếu có một hệ sinh thái để phát triển, một nền tảng để kết nối, hỗ trợ, bảo vệ đúng nghĩa và trọn vẹn thì mới trở thành cộng đồng gắn kết và tạo ra giá trị lớn”, bà Quý Phương nói.
Thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa thông qua chính sách ưu đãi
Trên thực tế, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều cho văn hóa. Tuy nhiên, TS. Trần Thị Thủy, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng, kinh doanh văn hóa có rủi ro cao, do vậy, bất cứ Nhà nước nào cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khi tham gia lĩnh vực này. Chẳng hạn như, từ năm 2005, Trung Quốc đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm cho các doanh nghiệp hình thành từ các đơn vị văn hóa mang tính kinh doanh và các doanh nghiệp văn hóa mới ra đời. Các nước phát triển đều cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp thông qua các quỹ đầu tư, bảo trợ.
Dẫn bài học thành công của Hàn Quốc trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước đóng vai trò định hướng và hỗ trợ, còn doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò tổ chức sản xuất và thương mại hóa văn hóa, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn khẳng định, làn sóng Hallyu đã chứng minh đầu tư vào văn hóa là chiến lược kinh tế thông minh. Năm 2022, xuất khẩu nội dung văn hóa của Hàn Quốc đạt trên 12 tỷ USD, vượt qua cả xuất khẩu chip điện tử. Điều đó đến từ sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách nhà nước và sự bứt phá của các tập đoàn tư nhân như CJ ENM, SM, YG, HYBE...
“Việt Nam hoàn toàn có thể học từ mô hình này. Nhưng để kinh tế tư nhân phát huy tối đa vai trò của mình, vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Một trong những thách thức lớn nhất là môi trường pháp lý thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống luật chuyên biệt cho công nghiệp văn hóa. Các quy định về xuất bản, trình diễn, phân phối nội dung trên nền tảng số… còn rời rạc và chậm thích nghi với thực tiễn công nghệ. Đặc biệt, việc thiếu quỹ hỗ trợ sáng tạo, khó khăn trong tiếp cận vốn, hạ tầng sáng tạo chưa đầy đủ và tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan đang cản trở nhiều nhà sáng tạo trẻ. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và cộng đồng nghệ sĩ vẫn còn lỏng lẻo”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhận định.
Việc hàng chục nghìn khán giả tham gia các concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi mang lại nhiều giá trị vô hình cho đất nước, chứ không chỉ về mặt kinh tế. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, góp ý, để công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới phát triển, cần thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp văn hóa... "Tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho văn hóa là điều cần thiết để phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này".