Từ bếp lửa truyền thống đến bàn ăn hiện đại

Những món ăn nổi tiếng không chỉ gợi nhớ về một Hà Nội đầy hoài niệm, mà còn chứa đựng giá trị to lớn trong nhịp sống hiện đại. Cùng với việc lưu giữ những công thức gia truyền quý báu qua nhiều thế hệ, người Hà Nội đang nỗ lực sáng tạo để đưa ẩm thực Thủ đô vươn tầm quốc tế.

"Gia phả vị giác" và những người giữ lửa

Ẩm thực không chỉ là những món ăn ngon, mà còn là linh hồn của văn hóa, lịch sử và con người Hà Nội. Mỗi hương vị đều kể một câu chuyện, mỗi món ăn đều mang một nét đặc trưng, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tại tọa đàm "Di sản ẩm thực Hoàn Kiếm - Chuyện người giữ lửa" ngày 30.3, những câu chuyện về các món ăn huyền thoại đã được kể lại, như những thước phim quay chậm về một Hà Nội thanh lịch và đầy hoài niệm. Ông Nguyễn Chí Hòa, người gìn giữ hương vị cà phê trứng trứ danh của Café Giảng, chia sẻ về nguồn gốc ra đời của thức uống này: "Năm 1946, cha tôi, ông Nguyễn Văn Giảng, khi làm bartender tại khách sạn Metropole Hanoi, đã nảy ra ý tưởng thay thế váng sữa đắt đỏ trong món cappuccino bằng lòng đỏ trứng gà, một nguyên liệu phổ biến và bình dân hơn”.

Từ đó, cà phê trứng ra đời, mang theo hương vị đậm đà, béo ngậy đặc trưng. Sau gần 80 năm, cà phê trứng không chỉ chinh phục người dân Thủ đô, mà còn vươn ra thế giới, trở thành niềm tự hào của ẩm thực Việt Nam. Cà phê trứng đã được ông Nguyễn Chí Hòa giới thiệu tới bạn bè quốc tế, chứng minh món trứng có thể làm đồ uống. Ông cho biết đã mở quán ở Nhật Bản và người Nhật cũng rất thích cà phê trứng Việt Nam.

02.jpg
Lan tỏa ẩm thực Hà Nội. Nguồn: VGP

Từng là nơi tụ họp của nghĩa quân Đề Thám thời kỳ Pháp thuộc, quán chả cá của gia đình họ Đoàn đã trở thành một phần không thể thiếu của Hà Nội 154 năm qua. "Bí quyết gia truyền được truyền lại qua bốn thế hệ, từ khâu chọn nguyên liệu tươi ngon đến cách nướng cá trên than hoa, tất cả đều được giữ gìn cẩn trọng," bà Lê Thị Bích Lộc - người kế thừa bí quyết chả cá Lã Vọng - chia sẻ. "Chả cá Lã Vọng không chỉ là món ăn ngon, mà còn là chứng nhân lịch sử, là niềm tự hào của người Hà Nội".

Truyền thống ẩm thực Hà Nội - những "gia phả bằng vị giác" đang được tiếp nối như vậy, với những quán ăn, tiệm bánh đã tồn tại qua nhiều đời, mang theo những công thức gia truyền quý giá, không được ghi chép trên giấy tờ, mà được lưu giữ trong ký ức, truyền lại bằng trái tim và sự tận tâm.

Hài hòa hương xưa, vị nay

Nói về hành trình gìn giữ và phát triển những món bánh truyền thống của Hà Nội, bà Trịnh Hồng Giang, CEO bánh Gia Trịnh cho biết: "Hương vị bánh từ bếp của bà, của mẹ đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ, thôi thúc tôi vượt qua những thăng trầm để gìn giữ di sản này”. Năm 2006, bà Trịnh Hồng Giang thành lập công ty, khôi phục những công thức gia truyền, mang đến những món bánh rán lúc lắc, bánh cốm... quen thuộc. Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện đại, bà không ngừng nghiên cứu và đổi mới, từ việc giảm độ ngọt của bánh, cải tiến bao bì đến xây dựng câu chuyện thương hiệu...

Theo bà Giang, di sản ẩm thực có thể trở thành cầu nối văn hóa, giới thiệu câu chuyện và bản sắc của một vùng đất đến với thế giới. Với mong muốn đưa bánh truyền thống Hà Nội vươn tầm quốc tế, bà đã hợp tác với các chuyên gia nhằm nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, kéo dài thời gian bảo quản bánh mà vẫn giữ nguyên hương vị và chất lượng.

Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm nhận định, dù sở hữu kho tàng ẩm thực phong phú, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được những "gia tộc ẩm thực" truyền đời nhiều thế hệ như ở nước ngoài. Ông cho rằng, cần chú trọng lưu giữ những dấu tích vật chất, kể những câu chuyện hấp dẫn về món ăn và đồ uống, để tạo sức hút với công chúng. Trong bối cảnh hiện đại, hình thức làm thủ công ngày xưa không đủ sức giữ lượng khách lớn, nhiều công đoạn phải dùng máy. Vấn đề là làm sao áp dụng quy trình kỹ thuật, nhưng vẫn giữ được bí quyết, cân bằng truyền thống và hiện đại.

Nhìn thấy những “con đường ẩm thực” khi đi qua các con phố cổ Hà Nội, TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, đó là hồn cốt của Hà Nội. Bên cạnh câu chuyện truyền nghề qua nhiều đời gìn giữ di sản, với sự đam mê, còn là giá trị kinh tế và vị thế trong xã hội. Bảo đảm cả 3 yếu tố đó thì giới trẻ sẽ giữ di sản ẩm thực, tiếp nối và thành công hơn thế hệ đi trước trong phát huy, lan tỏa hương vị từ truyền thống.

Giữ gìn di sản ẩm thực không có nghĩa là cất giữ nguyên vẹn một công thức trong tủ kính, mà phải để di sản ấy tiếp tục “sống”, tiếp tục “thở”, tiếp tục lan tỏa trong một thế giới đang thay đổi từng ngày. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Lê Anh Thư cho rằng, cần đưa món ăn truyền thống vào không gian đương đại, truyền nghề cho thế hệ trẻ và quảng bá ẩm thực Hà Nội ra thế giới, không chỉ bằng vị ngon, mà còn bằng chiều sâu văn hóa. Để thực hiện mục tiêu này, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân để đánh giá thực trạng và xây dựng đề án bảo tồn và phát huy di sản ẩm thực. Quận cũng có kế hoạch chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh ẩm thực, hỗ trợ những người gìn giữ di sản ẩm thực hoàn thiện sản phẩm và xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho các thương hiệu ẩm thực Hà Nội vươn ra thị trường quốc tế.

Văn hóa - Thể thao

"Vạn trái tim - Một niềm tin”
Văn hóa - Thể thao

"Vạn trái tim - Một niềm tin”

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa chính thức phát động Giải chạy “Vietcombank Run & Share 2025: Vạn trái tim - Một niềm tin” tại Công viên Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Việc ra mắt các sản phẩm chất lượng sẽ góp phần đưa du lịch tàu biển Việt Nam phát triển
Du lịch - Thể thao

Du lịch tàu biển cần chiến lược tổng thể để bứt phá

Liên tiếp các siêu du thuyền quốc tế cập cảng Việt Nam những tháng đầu năm cho thấy tiềm năng phát triển của du lịch tàu biển. Theo các doanh nghiệp, cần có chiến lược tổng thể để thúc đẩy du lịch tàu biển bứt phá hơn nữa, trong đó tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chính sách thu hút khách.

Du khách trải nghiệm ứng dụng tìm kiếm và đặt phòng khách sạn tại các điểm du lịch
Du lịch - Thể thao

Thúc đẩy doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ

Nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch tiếp cận và ứng dụng công nghệ, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội - VITM Hà Nội 2025 sẽ có gian hàng giới thiệu các ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo (AI), robot trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch.

Gắn kết nghệ sĩ và công chúng
Văn hóa - Thể thao

Gắn kết nghệ sĩ và công chúng

Trong bối cảnh nghệ thuật đang chuyển mình qua những mô hình kết nối trên toàn thế giới, các hoạt động nhằm tăng cường không gian thử nghiệm, trải nghiệm, giao lưu, tương tác nghệ sĩ - công chúng trở thành nhịp cầu quan trọng, kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật với đời sống…

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân
Văn hóa - Thể thao

Để kinh tế tư nhân trở thành đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu được định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, kinh tế tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, tích cực tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại...

Năm 2025, Ban tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam bộ sẽ thực hiện đổ chiếc bánh xèo siêu to khổng lồ để du khách thưởng thức miễn phí
Văn hóa

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2025 sẽ có 231 gian hàng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 12 -  năm 2025, Ban tổ chức sẽ thực hiện 2 chiếc bánh khổng lồ để du khách thưởng thức miễn phí; đồng thời hướng dẫn khách làm các loại bánh dân gian Nam Bộ.