Lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng ngày 09.3 (tức ngày 10.2 Âm lịch), diễn ra lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đánh dấu sự kiện đại lễ rước thần và kỷ niệm 760 năm ngày Đản sinh của Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang.

Lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân được tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tục xưa truyền lại, Đình Nhật Tân trước đây gọi là điện Nhật Chiêu, đến thời Khải Định đổi thành Nhật Tân, là nơi thờ Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang. Ngài là con của Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu, nổi danh với trí thông minh và tài thao lược.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào thời Trần Nhân Tông, Ngài đã dâng biểu xin vua cha cho phép xuất quân, lập đội "Thiên tử quân", tiến đánh và giành chiến thắng vang dội. Sau khi mất vào năm 1300, vua Trần cho xây đền thờ Ngài tại nơi mất và sắc phong Hiển Minh Đức.

Từ đó, để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, người dân Nhật Tân tổ chức lễ hội vào ngày 10.2 Âm lịch hàng năm. Năm 2025, lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đánh dấu cột mốc quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản.

dinh-nhat-tan-tay-ho-2025-1.jpg
Ngay từ sáng sớm, đình Nhật Tân đã khai hội với lễ tế yết và lễ bao sái tượng, sau đó là nghi thức dâng hương của nhân dân và du khách thập phương

Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, bao gồm nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa đặc sắc. Điểm nhấn đặc biệt là Đại lễ rước thần, với sự tham gia của 10 tổng rước, bao gồm kiệu Thánh Cả, kiệu Thánh Mẫu, kiệu lễ vật, kiệu nước... Tổng cộng gần 2.000 người, gồm các tổ dân phố, đoàn thể, dòng họ và khối nhân dân các di tích cùng tham gia rước kiệu.

Bà Nguyễn Thục Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, chia sẻ: “Lễ hội Đình Nhật Tân năm nay không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Chúng tôi rất vinh dự khi lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời cam kết tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản này”.

Một trong những điểm đặc biệt của lễ hội là Lễ phóng noãn trên sông Hồng vào lúc nửa đêm, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống như múa rồng, đấu vật, hát quan họ, trò chơi dân gian cũng thu hút đông đảo người dân và du khách.

dinh-nhat-tan-tay-ho-2025-3.jpg
Kiệu Thánh Cả, kiệu Thánh Mẫu, kiệu lễ vật, kiệu nước... với gần 2.000 tham gia
dinh-nhat-tan-tay-ho-2025-5.jpg
dinh-nhat-tan-tay-ho-2025-6.jpg
Các em nhỏ cũng được tham gia vào đoàn rước kiệu Thánh
dinh-nhat-tan-tay-ho-2025-8.jpg
Kiệu rước nước được lấy từ sông Hồng
dinh-nhat-tan-tay-ho-2025-2.jpg
Do hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần, rất đông người dân đã đứng dọc 2 bên đường Âu Cơ xem lễ rước kiệu tại lễ hội Đình Nhật Tân

Lễ hội năm nay thu hút hơn 5.000 người tham dự trong hai ngày cuối tuần, với thời tiết thuận lợi. Đối với người dân Nhật Tân, Đình Nhật Tân không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là biểu tượng tâm linh, niềm tự hào của làng. Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang được xem là Thành hoàng làng, là chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng.

Không chỉ người lớn, thế hệ trẻ cũng thể hiện sự hào hứng khi tham gia lễ hội. Em Nguyễn Ngọc Bảo Trân, học sinh lớp 7A4, Trường THCS Nhật Tân, chia sẻ: “Em cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia đoàn kiệu số 6 của trường. Đây là lần đầu tiên em được góp phần vào một lễ hội lớn như vậy, nên vừa hồi hộp, vừa tự hào”.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Kể từ năm 2005, lễ hội được khôi phục với quy mô ngày càng mở rộng, thể hiện nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương. Năm nay, lễ hội vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, minh chứng cho giá trị bền vững của nghi lễ cổ truyền trong đời sống hiện đại.

Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.