Festival Huế - Bản hòa ca bốn mùa

Phát triển du lịch bốn mùa không những giúp Thừa Thiên Huế phát huy tối ưu giá trị di sản cố đô mà còn làm bật tầm vóc một trung tâm văn hóa - du lịch với nhiều thế mạnh đặc trưng.

“Món quà và sản phẩm du lịch”

“Chúng tôi xem Festival Huế là món quà, cũng là sản phẩm du lịch, qua đó tạo thương hiệu cho Huế”. Khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nói lên hướng đi của vùng đất cố đô khi xây dựng chương trình lễ hội trải dài suốt cả năm, thay vì tập trung vào một thời điểm.

“Là món quà” bởi lẽ trong nỗ lực phấn đấu trở thành Thành phố Festival mang tầm quốc gia và quốc tế đặc trưng của Việt Nam, Festival Huế 2024 tiếp tục mang tới những hoạt động văn hóa đặc sắc, đưa người dân và du khách trở thành chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể hưởng thụ.

Nhìn lại hành trình Festival Huế lần đầu năm 2000, đều đặn “đến hẹn lại lên” và xen kẽ giữa năm chẵn Festival Huế là năm lẻ với Festival nghề truyền thống Huế. Từ đó đến nay, Huế luôn trăn trở với câu hỏi là sau các sự kiện lớn đó, Huế còn gì và lấy gì để phục vụ cho nhu cầu du khách vào ngày thường? 

Festival Huế với định hướng lễ hội bốn mùa là câu trả lời.

Festival Huế - Bản hòa ca bốn mùa
Tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn khởi động Festival Huế 2024, định hướng tổ chức Lễ hội bốn mùa. Nguồn: hueworldheritage

Các hoạt động trong Festival Huế 2024 trải đều bốn mùa từ không gian kinh thành mở rộng ra các vùng lân cận. Ngoài lễ hội cung đình, chương trình nghệ thuật đại diện dấu ấn của nhiều nền văn hóa trong nước và quốc tế còn có lễ hội dân gian, chương trình văn hóa nghệ thuật quần chúng, hoạt động triển lãm…, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn đa dạng.

Như Lễ hội mùa Xuân - “Xuân Cố đô” (tháng 1 - 3), nổi bật là các hoạt động Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống và các lễ hội dân gian phong phú, độc đáo.

Lễ hội Mùa Hạ - “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 - 6) với điểm nhấn Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 giới thiệu, quảng bá di sản, gắn với định hướng xây dựng Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Mùa Thu xứ Huế tiết trời mát mẻ, khô ráo, thuận lợi tổ chức các hoạt động ngoài trời, tương ứng với lễ hội Mùa Thu - “Huế vào Thu” (tháng 7 - 9). Trọng tâm của lễ hội mùa Thu là chương trình Tết Trung thu với Hội đèn lồng Huế 2024, kết hợp hoạt động quảng diễn lân - sư - rồng, rước đèn đường phố và các trưng bày, sắp đặt, trải nghiệm tết Trung thu truyền thống. Những nét đẹp trong văn hóa chơi Trung Thu của người Việt, những giá trị di sản văn hóa, ẩm thực Huế gắn với mùa thu qua đó được phô diễn sinh động.

Mùa đông xứ Huế chịu ảnh hưởng của bão lụt, mưa dầm và ngành du lịch vào giai đoạn thấp điểm. Tuy nhiên, các hoạt động âm nhạc có thể thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 - 12) mở đầu bằng Tuần lễ Âm nhạc Huế 2024 và kết thúc bằng Chương trình Countdown tạm biệt Festival Huế 2024 - chào đón năm mới 2025 tạo không khí sôi động, giàu năng lượng, hướng tới tương lai tươi sáng.

Phát lộ đầy đủ giá trị cố đô

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, qua các kỳ tổ chức, Festival Huế không những là hoạt động văn hóa đặc sắc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ. Hiệu ứng của các kỳ Festival tạo thương hiệu cho điểm đến.

“Các số liệu cho thấy, năm 2019 là đỉnh cao, chúng tôi có khoảng 2 triệu khách quốc tế và 2 triệu khách nội địa. Đến tháng 4 năm nay, chúng tôi tiên lượng sẽ gần như lấy lại được phong độ như vậy. Đó cũng là hiệu ứng từ các kỳ Festival và chúng tôi xoay chuyển bằng cách tổ chức Festival 4 mùa, thay vì chỉ duy trì Festival một tuần như thông lệ”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Festival Huế - Bản hòa ca bốn mùa -0
Lễ hội hoa đăng tại bến Nghinh Lương Đình trong chương trình Lễ hội Mùa Hạ - “Kinh thành tỏa sáng”. Nguồn: hueworldheritage

Theo các chuyên gia, việc xây dựng Festival Huế theo định hướng bốn mùa giúp khai thác tối ưu chuỗi lễ hội trải dài trong năm cũng như thể hiện sự vận động, phát triển, bắt nhịp thời đại với việc xây dựng hệ thống chương trình lễ hội mới.

Kế hoạch lễ hội bốn mùa lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách, mang đến đến hiệu quả kinh tế - xã hội. 

Việc trải dài các hoạt động của Festival qua bốn mùa làm phát lộ đầy đủ những giá trị vốn còn khuất lấp của xứ Thần Kinh. Qua chủ đề của từng mùa, nhiều nét văn hóa trước kia chỉ mang tính điểm xuyết, làm sinh động hoạt động của Festival thì giờ đây được nâng tầm, tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch có tính thương hiệu, điển hình là Hội đèn lồng Huế 2024.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định Festival Huế là sự kiện văn hóa hết sức quan trọng. Qua 24 năm, đây đã trở thành một trong những sự kiện mang tính thương hiệu, uy tín không chỉ đối với Huế mà còn của Việt Nam; được đánh giá là sự kiện thể hiện sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, với những sắc màu văn hóa của Huế, văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

“Nhờ sự gắn kết các hoạt động một cách xuyên suốt, những tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế ngày càng được phát huy, trở thành điểm thu hút du khách đến Huế, quay trở lại Huế. Festival Huế nhờ vậy vừa góp phần vào thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội, vừa góp phần thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hóa, trọng văn hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nói.

Văn hóa

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản
Văn hóa - Thể thao

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm độc đáo của công nghiệp văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải hiểu biết thấu đáo về truyền thống để giữ bản sắc nhưng vẫn mang lại nguồn lợi kinh tế.