Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Qua hoạt động tiếp công dân, nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, tránh phát sinh điểm nóng; đồng thời giúp nâng cao hiểu biết pháp luật của công dân.
Để bảo đảm công tác tiếp công dân hiệu quả, Luật Tiếp công dân đã có những quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân cũng như quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngoài ra, Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cấm gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân. Như vậy, Luật Tiếp công dân không có quy định về cấm hay hạn chế quay phim, chụp ảnh, ghi âm.
Quy định về việc không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân khiến chúng ta liên tưởng đến văn bản từng làm dư luận “dậy sóng” của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt khi có “nội dung chưa chuẩn xác” dẫn đến cách hiểu chỉ quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm khi được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Văn bản bản này sau đó đã bị Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Ngay sau đó, cơ quan ban hành văn bản đã có văn bản về việc hủy nội dung này; đồng thời quy định rõ: Nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh).
Thực tế cho thấy, từ những file ghi âm, clip do nhân dân cung cấp, nhiều vi phạm quy tắc đạo đức, nghề nghiệp của một số cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ đã được phát hiện. Tiêu cực xảy ra ở Hải quan Hải Phòng hay cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ ở Hà Nội được báo chí đăng tải thời gian qua là những ví dụ. Điều đó cho thấy, hình ảnh, file ghi âm là chứng cứ quan trọng trong việc góp phần ngăn ngừa những tiêu cực, vòi vĩnh, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ. Tất nhiên, không phủ nhận có những đối tượng đã lợi dụng quyền được quay phim, chụp ảnh, ghi âm với mục đích xấu, cắt xén, chỉnh sửa, tung lên mạng nhằm bôi xấu hình ảnh cán bộ. Điều này là vi phạm pháp luật và cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cho dù nội quy về tiếp công dân của Hà Nội không “cấm”, nhưng câu hỏi đặt ra là, khi nào thì việc ghi âm, ghi hình sẽ được người tiếp công dân đồng ý? Tiêu chí nào để công dân biết được mình có quyền được chụp ảnh, ghi âm mà không vi phạm nội quy? Không quy định cụ thể thì có thể dẫn đến “quyền” tùy nghi của người tiếp công dân khi cho phép công dân có quyền hay không khi thực hiện.
Quay phim, chụp ảnh, ghi âm là một trong những công cụ giúp người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Qua đó, thực hiện quyền giám sát đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Cứ đúng luật mà làm, trách nhiệm và tâm huyết, thì sao cán bộ, công chức phải e dè khi công dân quay phim, chụp ảnh hay ghi âm? Nói như Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp: Quan trọng là cán bộ tiếp dân phải làm sao để người dân không cảnh giác mình, không cần phải ghi âm, chụp ảnh.