Những mục tiêu trong nhiệm kỳ
Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với nhiều biến động về địa chính trị, kinh tế... Các quốc gia thành viên hiện đang nỗ lực tìm cách hợp tác để giải quyết những vấn đề này, đồng thời cũng phải đối diện với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và các phong trào ly khai. Do đó, với khẩu hiệu: “Đưa châu Âu vĩ đại trở lại” (Make Europe great again), Hungary muốn chứng tỏ quyết tâm đem đến sự thay đổi lớn cho toàn bộ khu vực.
Chính phủ Hungary đã công bố 7 ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình đối với EU, bao gồm tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực; phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và hợp tác mua sắm quốc phòng giữa các thành viên EU; gắn kết EU; hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp và bảo vệ biên giới; ủng hộ chính sách nông nghiệp châu Âu lấy nông dân làm trung tâm; giải quyết vấn đề mở rộng khối trong tương lai và tìm lời giải cho bài toán nhân khẩu học.
Đại diện thường trực của Hungary tại EU Balint Odor nhận định rằng, so với nhiệm kỳ mà nước này đảm nhiệm cách đây hơn 10 năm, thì “bối cảnh địa chính trị ở châu Âu đã có nhiều thay đổi và liên minh đang đứng trước bộn bề thách thức”. Những ưu tiên này là sự bao trùm hàng loạt vấn đề của EU đang phải đối mặt. Điều này cho thấy sự tham vọng, cũng như cả thách thức mà EU nói chung và nước chủ tịch nói riêng phải giải quyết trong thời gian tới.
Một trong những thay đổi lớn nhất có thể xảy ra trong nhiệm kỳ chủ tịch của Hungary là cải cách cơ chế ra quyết định. Trước đây, các quyết định quan trọng thường được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên; song với mục tiêu giảm thiểu tình trạng bế tắc và tăng cường hiệu quả hoạt động của EU, Hungary đã đề xuất một hệ thống bỏ phiếu mới.
Về đề xuất thúc đẩy tạo ra một thị trường chung châu Âu mạnh mẽ hơn, Hungary đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các quốc gia thành viên. Theo đó, bằng cách loại bỏ các rào cản thương mại và tăng cường sự liên kết giữa các nền kinh tế quốc gia, bao gồm việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do và cải thiện các quy định về thuế quan, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu John Peterson nhận định rằng: “Những nỗ lực Hungary trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế đã tạo ra một động lực mới cho sự phát triển của thị trường chung EU, song cần phải bảo đảm rằng các quy định mới sẽ tạo ra sự công bằng tuyệt đối giữa các quốc gia thành viên, đồng thời duy trì được cân bằng trong hệ thống kinh tế chung”.
Bên cạnh đó, Hungary cũng đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường an ninh và quốc phòng, khi đề xuất việc thiết lập một cơ chế phản ứng nhanh trong trường hợp có các mối đe dọa an ninh, cùng với việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia thành viên. Đồng thời thúc đẩy việc tăng cường đầu tư vào công nghệ quốc phòng và đào tạo quân sự, nhằm bảo đảm EU có thể đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh hiện nay.
Về đối ngoại, Hungary sẽ tăng cường quan hệ với các quốc gia ngoài EU, đặc biệt là với các nước láng giềng và đối tác thương mại quan trọng, bằng cách tổ chức nhiều hội nghị và cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa. Điều này không chỉ giúp tăng cường vị thế của EU trên trường quốc tế, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu. Các chuyên gia đánh giá cao bước đi này của Hungary trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang tìm cách mở rộng thị trường, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế; song việc cân bằng lợi ích quốc gia và lợi ích chung của EU cần được đặt lên hàng đầu.
Thách thức phía trước
Những năm gần đây, Thủ tướng Viktor Orban nổi lên như một nhân vật theo đuổi các chính sách đi ngược với Brussels, cũng như phải đối mặt với nhiều chỉ trích của các đồng nghiệp châu Âu. Kể từ cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu vào năm 2022, Budapest không ủng hộ chính sách viện trợ vũ khí cho Kiev, thay vào đó kêu gọi giải pháp ngoại giao và duy trì quan hệ kinh tế với Nga.
Thêm vào đó, ngay từ đầu, một số quốc gia thành viên đã bày tỏ lo ngại về việc thay đổi cơ chế ra quyết định, vì cho rằng điều này có thể làm mất đi sự cân bằng quyền lực và lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn. Một số khác không đồng tình với các chính sách về năng lượng và biến đổi khí hậu, cho rằng các chính sách này thiếu biện pháp cụ thể để bảo đảm tính bền vững và công bằng.
Hungary cũng phải đối diện với những vấn đề nội bộ, đặc biệt là việc duy trì sự ổn định chính trị và kinh tế trong nước. Các cuộc biểu tình và phong trào đối lập có thể gây áp lực lên chính phủ, đòi hỏi các biện pháp quản lý khéo léo và quyết đoán. Quốc gia này cũng cần bảo đảm các chính sách của mình phù hợp với lợi ích của toàn bộ EU, tránh việc gây ra mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại rằng, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban, thuộc phe trung hữu, có thể tận dụng cơ hội nhằm khẳng định sức mạnh gia tăng trong cuộc cầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua. Mối lo ngại này hoàn toàn có cơ sở khi ông Viktor Orban từng tuyên bố muốn thành lập một liên minh mới trong EP, cùng với đảng Tự do (FPOe) cực hữu của Áo và Phong trào trung dung ANO của cựu Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis, với tên gọi “Những người yêu nước vì châu Âu”. Ý tưởng về liên minh mới sẽ cần sự ủng hộ từ các chính đảng ở 4 quốc gia khác để được công nhận là một phái trong EP.
Trước sự hoài nghi của nhiều thành viên đối với Budapest, ông Balint Odor đã khẳng định: “Đây sẽ là một nhiệm kỳ chủ tịch giống như bất kỳ nhiệm kỳ nào khác trước đây. Chúng tôi sẽ là những người hòa giải trung thực, sẽ cố gắng hợp tác chân thành với các nước và tổ chức EU”. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka cho biết, nước này đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng EU trong điều kiện khi châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức chung, do đó, nhiệm kỳ Chủ tịch của Hungary “phải phục vụ hòa bình, an ninh châu Âu và tìm kiếm giải pháp thực sự cho các vấn đề của châu Âu”.
Các nhà ngoại giao EU cũng đặt niềm tin rằng, Hungary sẽ đảm nhận nhiệm kỳ chủ tịch theo truyền thống, nhằm bảo đảm “các cỗ máy” vận hành suôn sẻ. Trong khi đó, giới phân tích quốc tế nhận định rằng, hành động của Thủ tướng Viktor Orban có thể sẽ quyết định số phận của 19 tỷ euro trong quỹ EU dành cho Budapest, đang bị đóng băng vì các vấn đề liên quan đến quyền LGBTQ, chính sách di cư, cuộc chiến chống tham nhũng trong mua sắm công...
Chuyên gia về kinh tế và chính trị tại Đại học Corvinus ở Budapest Zoltán Tóth cho biết, Hungary đã chứng tỏ mình là một lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm nhìn, góp phần định hình tương lai của EU trong bối cảnh đầy thách thức. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, EU cần tiếp tục đoàn kết và hợp tác để vượt qua những thách thức hiện tại và bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai. Và tất cả vẫn còn ở phía trước, các nước sẽ chờ xem Hungary có thể mang lại những thay đổi gì trong 6 tháng tới.