ĐBQH Đinh Ngọc Quý khẳng định, chưa bao giờ người dân, cử tri lại quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống tham nhũng đến thế. Nhiều vụ việc tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng, xem xét, xử lý một cách rõ ràng, được cử tri và Nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, mong muốn của cử tri còn lớn hơn nhiều, đó là làm thế nào để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn. Và tin tưởng tình hình chuyển biến căn bản ngày cảng ít vụ việc vi phạm và bị xử lý. “Cử tri gửi gắm đến Chính phủ và các cơ quan công quyền là chỉ mong sao mỗi lần được xem Quốc hội họp, nghe đài, đọc báo thấy ít hơn cán bộ, công chức bị xử lý, kỷ luật” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý cũng băn khoăn khi công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có nhiều chỉ tiêu đã giảm theo thống kê, song những vụ việc phạm tội có tính chất man rợ, không còn tính người, gây chấn động dư luận xã hội vẫn còn diễn ra. Đại biểu Quý cho rằng, nguyên nhân sâu xa có lẽ là từ ý thức tuân thủ pháp luật, tiết chế cái tôi, tiết chế cá nhân, tiết chế lòng tham trong mỗi con người chưa được quan tâm định hướng tốt. Cái tốt lan tỏa chậm. Cái xấu còn len lỏi nhanh ... Sự giám sát, kiểm tra và hoạt động của các các cơ quan có chức năng, có thẩm quyền có nới, có chỗ vẫn chưa kịp thời phát hiện sai trái.
Để cải thiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chấn chỉnh công tác thực thi pháp luật, thì cần quan tâm đến 3 vấn đề:
Trước hết, quan tâm chỉnh đốn cán bộ, công chức thực sự là đội ngũ tiên phong, làm gương, chịu sự kiểm soát chặt chẽ và chịu trách nhiệm lớn hơn. Đi kèm là khẩn trương hoàn thiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức thông qua cải cách tiền lương, xây dựng vị trí việc làm rõ ràng.
Thứ hai, bên cạnh giáo dục kiến thức, cần song hành với giáo dục kỹ năng và lối sống để trang bị những thay đổi nhận thức ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Tránh việc để giới trẻ tiếp nhận thông tin dễ dãi, thông tin xấu độc, thiếu định hướng, dễ gây ra sự lệch lạc trong nhận thức và kéo theo nhiều hệ lụy khi trưởng thành. Vai trò của gia đình, việc học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân phải được gia đình quan tâm hơn.
Thứ ba, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cần có sự thay đổi thực chất hơn, bớt hình thức. Hiện nay, dù việc tiếp cận thông tin ngày càng dễ, thuận lợi, nhưng thực tế do kinh phí thiếu, cán bộ tuyên truyền không chuyên, nên ở cấp xã và ở thôn bản người dân chưa nắm rõ quy định của pháp luật.