Rõ thẩm quyền giao cơ quan quản lý chuyên môn
Về việc lập phương án phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện phương án phát triển điện lực. Luật Điện lực là đạo luật khó, phức tạp; về nội dung thuộc kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, chuyên môn sâu, nhưng phạm vi điều chỉnh lại rất rộng, mang tính liên ngành, liên kết lớn, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… Vì thế, phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh(thành phố) được quy định tại điểm e khoản 2 điều 27 Luật Quy hoạch, khi xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh cần xây dựng chi tiết đối với mạng lưới cấp điện cho thành phố.
Tuy nhiên, theo các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực Kế hoạch - đầu tư, hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó có phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnhhết sức đơn giản. Như vậy chưa phù hợp quy định lĩnh vực điện lực, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như gây khó khăn trong quá trình đầu tư phát triển mạng lưới cấp điện cho thành phố - ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Đại biểu dẫn thực tế ở Hải Phòng, phương án phát triển lưới điện trong quy hoạch thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1516/QĐ-TTg mới chỉ đưa ra danh mục công trình đường dây và TBA từ 110kV trở lên, không cụ thể về số lượng và công suất máy biến áp cấp 110 kV trở xuống. Còn đường dây trung thế mới nêu về định hướng phát triển chung, chưa quy định chi tiết danh mục đầu tư lưới điện phân phối, như vậy sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước khi yêu cầu EVN, NPC đầu tư phát triển các công trình điện cho thành phố do chưa có trong quy hoạch.
Để phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh (thành phố) mang tính đồng bộ, toàn diện; không chồng chéo với các Luật khác, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong đầu tư phát triển lưới điện, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường điện, vừa phải giải quyết ngay những vấn đề thực tiễn mang tính cấp bách nhưng vẫn bảo đảm được tính dự báo, xử lý các vấn đề phát sinh trong thời gian tới; vừa phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển của địa phương.
Đại biểu đề xuất nên chăng bổ sung quy định rõ thẩm quyền giao cơ quan quản lý chuyên môn lập phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh làm cơ sở tích hợp vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh (thành phố). Có như vậy, mới phù hợp tinh thần dự thảo Luật Điện lực: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, trong đó có kế hoạch thực hiện phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh. (Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh của Thủ tướng)
Nhưng về thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh: tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch theo phân cấp quản lý; phương án đấu nối các dự án nguồn điện theo phạm vi phân cấp về quy hoạch; số lượng và công suất máy biến áp cấp 110 kV trở xuống; số mạch đường dây từ cấp điện áp 110 kV trở xuống.
Theo đại biểu, như vậy sẽ đáp ứng yêu cầu tiến độ của việc phát triển lưới điện, nâng cao vai trò hiệu quả quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển điện lực bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ tăng trưởng và phát triển của địa phương.
Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư từ các dự án năng lượng tái tạo
Đối với việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, Trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng cấp thiết, hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu và hệ thống lưu trữ năng lượng đang đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Mặc dù trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra việc khuyến khích phát triển loại hình nguồn điện này, nhưng vẫn cần bổ sung các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này – ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Cụ thể, có chính sách rõ ràng về loại hình năng lượng điện mặt trời mái nhà. Trong đó, phân biệt làm rõ khái niệm, phân rõ cấp độ giữa hệ thống mặt trời áp mái tự sử dụng, tự sản tự tiêu với đối tượng đầu tư hệ thống điện mặt trời (quy mô dưới 10MW và không tham gia thị trường bán buôn điện) để bán điện trong các KCN (như KCN DEEP C ở Hải Phòng), hoặc cho các doanh nghiệp thứ cấp.
Để góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; đồng thời, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các dự án năng lượng tái tạo, cần quy định chi tiết các quy định như thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn an toàn và phòng cháy, chữa cháy…
ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh cần nghiên cứu, cho phép các nhà đầu tư thứ ba tham gia thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA), giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết để thực hiện chuyển dịch xanh, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Theo đại biểu, điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư từ các dự án năng lượng tái tạo.
Làm rõ hơn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ
Đại biểu đề nghị làm rõ hơn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện. Các hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện và đơn vị phân phối điện có ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến hoạt động điện lực tại Việt Nam và được nhắc nhiều lần trong dự thảo Luật Điện lực. Tuy nhiên, tại Điều 4 của dự thảo chưa có nội dung giải thích về các cụm từ liên quan đến các hoạt động này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung giải thích các cụm từ “hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện” hoặc giải thích các cụm từ “đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện” và các cụm từ “Lưới điện phân phối, Lưới điện truyền tải” vào nội dung tại Điều 4 của Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) để làm rõ hơn trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực này.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định về quản lý quy hoạch, phát triển trạm sạc xe điện, an toàn trang thiết bị điện tại các trạm sạc xe điện, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với loại hình trạm sạc xe điện đang ngày càng phát triển hiện nay.