Đồng tình với việc bổ sung quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân trong dự thảo luật. Ngoài các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, cần quan tâm đến việc phát triển điện hạt nhân với các lí do sau:
Lí do thứ nhất, việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 (khoảng 8,5%/năm); đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay… Cùng đó, việc có thêm các dự án hạ tầng quan trọng (sắp tới) cũng sẽ đòi hỏi nguồn năng lượng điện lớn. Ví dụ, dự án đường sắt tốc độ cao (theo các chuyên gia tính toán sẽ đòi hỏi nguồn điện lớn và ổn định để vận hành); hoặc khi bước vào chuỗi sản xuất chip bán dẫn cũng cần một nguồn năng lượng lớn…
Lí do thứ hai, điện hạt nhân có những lợi thế nhất định so với các nguồn điện khác. Cụ thể, so với các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió gặp hạn chế) thì điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền, không phụ thuộc vào thời tiết. Hay như với nhiên liệu hóa thạch, điện hạt nhân là một trong những nguồn năng lượng phát thải thấp, có thể đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Việc sử dụng điện hạt nhân còn nâng cao khả năng ổn định giá năng lượng: Trong khi giá nhiên liệu hóa thạch có thể biến động lớn do các yếu tố toàn cầu, thì điện hạt nhân thường có chi phí sản xuất ổn định hơn trong dài hạn.
Lí do thứ ba, việc phát triển điện hạt nhân sẽ thúc đẩy sự tiến bộ khoa học công nghệ trong nước. Theo kinh nghiệm của các nước, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình về cơ bản phải dựa vào khoa học và công nghệ; trong đó, công nghệ hạt nhân vẫn luôn giữ vị trí chiến lược, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển…
Thực tế trên, để hoàn thiện quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân trong dự thảo Luật, xin đề xuất một số nội dung sau:
Thứ nhất, bên cạnh các quy định về chính sách phát triển điện hạt nhân được quy định tại dự thảo đề nghị rà soát các quy định tại mục 3 Chương V của Luật Năng lượng nguyên tử (quy định về Nhà máy điện hạt nhân) để trong trường hợp cần thiết có thể sửa ngay tại dự thảo Luật lần này. Việc rà soát này là cần thiết, do Luật Năng lượng nguyên tử đã được ban hành hơn 15 năm trong khi công nghệ điện hạt nhân đã có nhiều phát triển trong thời gian qua.
Hoặc cần rà soát xem có nên duy trì “quy định quy hoạch phát triển điện hạt nhân” tại khoản 2 Điều 45 của Luật Năng lượng nguyên tử khi đã có quy định về quy hoạch điện quốc gia?... Việc sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Năng lượng nguyên tử trong đợt này cũng sẽ góp phần đẩy nhanh hơn việc triển khai các dự án điện hạt nhân sau khi dự án Luật Điện lực này được thông qua.
Thứ hai, cần chỉnh lý lại quy định tại điểm đ khoản 14 Điều 5 của dự thảo. Bởi, hiện nay, dự thảo đang quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đặc thù để bảo đảm triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp do cơ chế đặc thù về cơ bản là các nội dung khác với quy định pháp luật hiện hành.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền này thuộc về Quốc hội và hiện nay Quốc hội đang thực hiện chức năng này (đối với dự án đường bộ cao tốc phía Đông, sân bay Long Thành…). Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 20 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ yếu để quy định các biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước... Vì vậy, nội dung này nên giữ thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo các nguyên tắc đã xác định.
Về vấn đề này, việc phân quyền giữa cơ quan dân cử với cơ quan hành chính cần xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan đó để phân định một cách phù hợp… Theo đó, những nội dung liên quan đến quyền lợi của nhiều cá nhân, tổ chức thì cần được thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn giải pháp phù hợp. Việc thảo luận, quyết định ở cơ quan dân cử còn có ý nghĩa công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách, từ đó tăng tính đồng thuận khi triển khai thực hiện.
Ví dụ, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy: Đối với trường hợp xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có sự tham gia thảo luận và cho ý kiến của người dân; thậm chí ở một số nước còn tổ chức trưng cầu ý dân (Italia, Áo, Thuỵ Sĩ…). Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu để có quy định phù hợp tại khoản này.
Ban soạn thảo cần giải thích rõ quy định tại khoản 6 Điều 27 dự thảo Luật: “Giá điện trúng thầu được phê duyệt là giá tối đa để bên mua điện đàm phán, ký hợp đồng với nhà đầu tư trúng thầu”. Bởi, quy định như vậy sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư phải tiếp tục đàm phán giá điện với bên mua điện sau khi đã trúng thầu, trong khi yếu tố giá điện đã là tiêu chí quan trọng nhất khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Điều này chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo vệ quyền lợi của bên mua điện nhiều hơn là bên bán điện; đồng thời, nếu quy định như vậy sẽ kéo dài thời gian triển khai dự án và làm gia tăng chi phí cho nhà đầu tư…
Bên cạnh đó, cần giải thích rõ hơn về quy định tại khoản 1 Điều 30: “ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng hợp đồng dự án phía Việt Nam trong trường hợp lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trừ hợp đồng thuê đất”… Đây là hợp đồng có tính quốc tế nên việc yêu cầu hợp đồng có thêm tiếng Anh sẽ tốn thêm chi phí cho việc thực hiện.