Quảng cáo trên nền tảng số và mạng xã hội còn nhiều bất cập
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Báo cáo thẩm tra và Tờ trình nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012 đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo. Các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập. Quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Do đó, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thảo luận về dự án luật, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh, vấn đề thứ nhất cần phải giải quyết đó là luật phải có các quy định quản lý chặt chẽ việc quảng cáo trên nền tảng số và mạng xã hội do tồn tại quá nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả. Từ đó đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn… đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng..
Những quảng cáo này thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin, dẫn đến mất niềm tin vào thị trường và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Do đó, Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Vấn đề thứ hai là Luật Quảng cáo lần này phải có “sứ mệnh” dẹp loạn những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời, gây phản cảm, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị. Những hoạt động quảng cáo trái phép này cần phải được xử lý nghiêm để trả lại hình ảnh, nét đẹp của đô thị. Việc "dẹp loạn" các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay, khi các quảng cáo ngoài trời xuất hiện ở mọi nơi.
"Để giải quyết vấn đề này, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm, thậm chí bằng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép thông qua hệ thống camera giám sát" - đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Quy mô vốn của chương trình khá khiêm tốn
Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 của Ủy ban Xã hội cho biết, Chương trình đã đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể với 20 chỉ tiêu, thực hiện trên phạm vi cả nước là cơ bản phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình tiếp tục rà soát quy định mục tiêu tổng quát để bảo đảm bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống; giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể.
Bảo đảm sự gắn kết logic giữa mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình với mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, nội dung, hoạt động trong dự án thành phần; bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có tính khả thi, hiệu quả, không trùng lặp. Tiếp tục đánh giá rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu sát với nhiệm vụ trọng tâm và khả năng đáp ứng của nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án.
Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá sâu sắc, toàn diện, làm nổi bật hiệu quả đối với việc giảm tệ nạn xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên; tăng cường sức khỏe, hiệu quả giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính bền vững của Chương trình.
Theo đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), quan điểm tiếp cận đặt mục tiêu vào những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy mô vốn của chương trình khá khiêm tốn so với các mục tiêu. Đại biểu đề nghị cần chú trọng cân nhắc việc cân đối nguồn vốn của các địa phương vì thực tế, ngân sách của các địa phương rất khó khăn. Đồng thời cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu... để tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoặc sắp triển khai thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) thì phân tích, một số chỉ tiêu đặt ra cần đạt được đến năm 2030 ở mức 100% là khó khả thi do còn nhiều yếu tố ảnh hưởng. Do đó, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu đề ra các chỉ tiêu phù hợp và linh hoạt. Về nguồn vốn dành cho chương trình, đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng hơi ít, nhất là khi so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Cụ thể rõ hơn nội dung để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất
Tờ trình dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) nêu rõ, việc xây dựng luật nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn. Đồng thời bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở; bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo luật cũng bám sát 4 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua là phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.
Thảo luận về dự án luật, các ý kiến cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cần cụ thể hóa rõ hơn nội dung để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất, trong đó có trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Điều kiện kinh doanh hóa chất đặc biệt cũng cần được quy định cụ thể. Người bán có điều kiện thì người mua cũng phải có điều kiện, nhất là đối với các loại hóa chất độc hại.
Về quy định tại các điều khoản, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh tình trạng có tên điều nhưng nội dung của điều lại không thể hiện rõ hoặc không đầy đủ. Hay trong điều đã có quy định theo hướng dẫn, theo mẫu của bộ, hoặc đã quy định cho Chính phủ thống nhất quản lý thì việc cụ thể hóa các khoản mục trong điều là không cần thiết…