Bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước hành vi bạo lực, xúc phạm
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thích ứng được với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), dự thảo luật cần bổ sung thêm một khoản quy định chính sách thu hút đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù, khó tuyển dụng, đặc biệt là các ngành đòi hỏi chuyên môn cao… Đồng thời, xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho các giáo viên ở các bộ môn nghệ thuật và yêu cầu cao ở khả năng thực hành (âm nhạc, mỹ thuật, thể dục....) cũng như nhân viên phụ trách phòng thực hành, thí nghiệm thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, không quy định nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bởi, nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 104, Điều 105 Luật Giáo dục năm 2019… Còn nếu trường hợp quy định tại dự thảo Luật thì cần quy định bãi bỏ các điều trên tại Luật Giáo dục năm 2019 để tránh trùng lặp.
Về chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, đại biểu đề nghị bảo lưu một số chính sách nhà giáo đối với cán bộ quản lý giáo dục đã từng là nhà giáo và hiện đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục, như: được lựa chọn, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức tại các phòng, sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm từ học sinh, phụ huynh và các bên khác; đồng thời, có chế tài nghiêm khắc với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
“Các chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo cần được luật hóa trong Luật Nhà giáo theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên”, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất.
Có phải thiết kế bảng lương riêng cho ngành giáo dục?
Liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) dẫn quy định: “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và bày tỏ băn khoăn: Nếu quy định như vậy thì liệu có phải thiết kế riêng một bảng lương cho ngành giáo dục?
Theo đại biểu Giót, quy định như dự thảo Luật sẽ dễ gây mất công bằng giữa các lực lượng viên chức (đặc biệt viên chức ngành y tế cũng rất vất vả). Do đó, đề nghị nên thiết kế chính sách lương đối với ngành giáo dục, như: tăng các khoản phụ cấp đặc thù (độc hại, đứng lớp…) sẽ phù hợp và không ảnh hưởng thang bảng lương chung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cho rằng, trong dự thảo Luật nên có quy định giáo viên “thực chiến” để khắc phục tình trạng học “chay”, dạy “chay” hiện nay… Theo đại biểu, cần sửa đổi Điều 24 của dự thảo Luật, có điều khoản yêu cầu giảng viên các trường đại học, trung học nghề phải có thời gian thực tiễn (còn chế độ, chính sách sẽ do Chính phủ quyết định cụ thể).
Dẫn quy định khoản 3 Điều 23: “Nhà giáo đã công tác tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng: Quy định này sẽ khó thu hút được giáo viên đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… “Bởi, khi kết thúc 3 năm và giáo viên muốn quay trở lại thành phố hoặc nơi sinh ra thì theo quy định này, nơi đến phải tiếp nhận mới được chuyển, còn nếu nơi đến không đồng ý tiếp nhận thì sẽ khó khăn cho giáo viên có thể quay lại”, đại biểu phân tích.
Do đó, về vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng: trong 3 năm các cơ quan có thẩm quyền phải có phương pháp, giải pháp để đưa giáo viên hết thời hạn rời vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại chính sách: bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 2 Điều 29 trong dự thảo Luật).