Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kế thừa quy định tại Khoản 8, Điều 4 của Luật Quảng cáo năm 2012 và bổ sung vào dự thảo luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc UBND các cấp phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động quảng cáo để đảm bảo thống nhất trong các nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo nói trên.
Bên cạnh đó, Tại Điểm a, khoản 1, Điều 1 dự thảo luật có quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo gán, gắn dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo luật nghĩa là những người trực tiếp quảng cáo đến công chúng thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội là những người truyền tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế hoạt động quảng cáo của cá nhân trên mạng xã hội có thể là chia làm hai loại chính.
Trường hợp thứ nhất, đó là nội dung quảng cáo sản phẩm do chính các cá nhân hoạt động quảng cáo tự sản xuất. Đại biểu cho rằng, trường hợp này hiện nay khá phổ biến bởi các cá nhân có thể tự sản xuất nội dung (video clip) giới thiệu sản phẩm.Trong trường hợp này thì các cá nhân có khả năng kiểm soát nội dung quảng cáo dẫn đến việc hoạt động tương tự như người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Trường hợp thứ hai, là người quảng cáo được đặt hàng theo nội dung đã thống nhất, từ đó truyền tải đến công chúng thông qua mạng xã hội như chụp ảnh sản phẩm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, khi thực hiện quảng cáo theo nội dung đặt hàng thì những cá nhân này chỉ có thể kiểm soát được thông tin do người đặt quảng cáo cung cấp về sản phẩm chứ không thể hoàn toàn kiểm chứng được những thông tin chính xác về sản phẩm.
Đại biểu cũng nêu một số nội dung liên quan đến Điều 15a quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Theo đó, từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như dự thảo luật. “Tôi cho rằng nghĩa vụ của người truyền tải quảng cáo thực hiện theo quy định của Luật quảng cáo năm 2023 đã tương đối rõ”, đại biểu Trần Thị Vân nêu.
Đại biểu cho rằng hiện chỉ cần bổ sung quy định về người thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội theo 2 trường hợp đã nêu, về nghĩa vụ chung cũng như quy định riêng về trách nhiệm của cá nhân hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kế thừa quy định tại Khoản 8, Điều 4 của Luật Quảng cáo năm 2012 và bổ sung vào dự thảo luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc UBND các cấp phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động quảng cáo để đảm bảo thống nhất trong các nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo nói trên.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 19 a, quy định không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc, ĐBQH Trần Thị Vân đề nghị bổ sung thêm cụm từ là thiết bị y tế và viết lại như sau: “Không được quảng cáo mỹ phẩm và thiết bị y tế gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc” bởi thực tế hiện nay, một số thiết bị y tế dùng để hỗ trợ điều trị những tổn thương, chấn thương có dạng sản phẩm hoặc dạng bào chế dễ gây hiểu nhầm như thuốc dễ gây hiểu nhầm lẫn cho người sử dụng.