Rõ quy định về hoạt động khai thác khoáng sản
Tán thành cao với báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương cho biết: Qua nghiên cứu dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này cho thấy, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của ĐBQH, Đoàn ĐBQH; các điểm mới trong dự thảo Luật đã góp phần giải quyết nhiều vướng mắc của các địa phương.
Để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo luật, đại biểu kiến nghị một số ý kiến.
Theo đó, tại khoản 22 Điều 2, giải thích từ ngữ, Dự thảo Luật quy định: “Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, bơm hút, lọc tách, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản.”
Như vậy, theo quy định này hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm cả hoạt động chế biến khoáng sản. Trong khi tại khoản 23 Điều 2 Dự thảo Luật quy định: Hoạt động chế biến khoáng sản là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác và thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Như vậy, theo quy định này, “Hoạt động chế biến khoáng sản” không được xem là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên theo như giải thích từ ngữ về hoạt động khai thác khoáng sản tại khoản 22 Điều 2 Dự thảo Luật.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động khai thác khoáng sản để dễ hiểu, bảo đảm tính thống nhất trong quy định pháp luật.
Tránh tạo "điểm nghẽn" về quy định
Tán thành với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 50 về Quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản: “2. Hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đã thăm dò không gửi đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của Chính phủ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.”.
Để bảo đảm minh bạch cơ chế trong triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong luật, hoặc giao cho Chính phủ, bộ, ngành chức năng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết việc cấp phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác trong trường hợp mất quyền ưu tiên theo dự thảo luật.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu bổ sung làm rõ quy định về “lòng hồ” tại khoản 3 Điều 90, quy định về nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển. Dự thảo Luật quy định: 3. Đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng hồ, trước khi cấp giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện (nếu có).
Vì theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28, Dự thảo Luật quy định: Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều thuộc đối tượng cấm hoạt động khoáng sản. Nên về nguyên tắc, việc lập Quy hoạch hoặc Phương án quản lý về địa chất, khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ không quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trong phạm vi lòng hồ thủy lợi, thủy điện, nên việc cấp phép tại khu vực không có quy hoạch là không bảo đảm nguyên tắc cấp phép hoạt động khoáng sản.
Đồng thời, tại điểm c khoản 1 Điều 77 Dự thảo Luật đã quy định về thu hồi khoáng sản từ hoạt động nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, quy định pháp luật minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh tạo "điểm nghẽn" về quy định pháp luật gây khó khăn trong thực hiện.