Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đây là nội dung rất quan trọng của dự thảo Luật, thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách tín dụng có ưu đãi về lãi suất nhằm tạo điều kiện và mở rộng việc làm, giải quyết việc làm theo hướng bền vững, đồng thời, chuyển đổi lao động sang khu vực có năng suất lao động cao hơn, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực lao động, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi tạo việc làm là người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh. Tuy nhiên, trong thiết kế của dự thảo Luật chưa thật cân đối. Ví dụ, vấn đề hỗ trợ việc làm cho thanh niên được quy định rất dài, rất cụ thể. Nhưng đối tượng là người khuyết tật và người cao tuổi chưa được đề cập đến nhiều. Do đó, cần nghiên cứu thêm để quy định đầy đủ hơn cho đối tượng lao động là người khuyết tật và người cao tuổi. Với tình trạng già hóa dân số ngày càng nhanh như hiện nay thì độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi trở lên đối với nữ, 62 tuổi đối với nam là còn trẻ. Thậm chí một bộ phận rất lớn trong xã hội đến độ tuổi này là "chín" kinh nghiệm, "chín" về mặt chuyên môn, về trình độ quản lý. Trong khi đó, hiện nay chưa có nhiều quy định giúp phát huy, khai thác tiềm năng của lực lượng này.
Cùng với đó, cần quan tâm thêm nhóm đối tượng mới của thị trường lao động là lao động công nghệ. Trong bối cảnh nền kinh tế số, chuyển đổi số hiện nay cần có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn để phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Nếu chưa có được chính sách cụ thể thì cũng phải có những chính sách mạnh mẽ quy định cho những nhóm đối tượng này để sau này Chính phủ có điều kiện quy định chi tiết, cụ thể hơn.