Quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước
Các đại biểu Quốc hội nhất trí đây là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, và hội nhập quốc tế; đồng thời tập trung cho ý kiến về nguồn vốn cho Dự án; hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án...
Về tiến độ và tổ chức thực hiện, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành. Đây cũng là vấn đề thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công.
Ngoài ra, nhu cầu Dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn trong thời gian dài, trong khi đó thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công.
Thực tế triển khai các dự án quan trọng quốc gia vừa qua cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu nhưng nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án.
Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại này, bảo đảm hoàn thành Dự án đúng kế hoạch.
Liên quan tới vấn đề công nghệ, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Dự án này để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.
Đồng thời, cần quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước để vừa giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển lớn mạnh, họ có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hoá ở mức tối đa từ đó giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, vừa có thể huy động nguồn lực toàn xã hội, giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị cần đặc biệt quan tâm vấn đề nguồn vốn của Dự án để bảo đảm tính khả thi. Báo cáo đánh giá tác động cần làm rõ hơn nội dung này. Cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng về tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn sau; về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước; về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho Dự án... “Cần dự báo, lường trước những vấn đề khó khăn có thể phát sinh để đưa ra hướng giải quyết kịp thời, phù hợp trong quá trình triển khai”, đại biểu nhấn mạnh.
Quan tâm tới vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ cần phân tích cụ thể hơn, dự trù những vấn đề phát sinh để bảo đảm việc triển khai Dự án theo đúng tiến độ, chất lượng cũng như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cho rằng, cần đưa ra bức tranh tổng thể cả những mặt tích cực, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp và phương án phù hợp nhất đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Để bảo đảm hiệu quả, khả thi, tránh thất thoát, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư Dự án.
Đồng thời lưu ý, giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin phải là giải pháp xuyên suốt, quan trọng nhất trong tất cả các khâu, đáp ứng phát triển kinh tế số của ngành đường sắt. Chính phủ cần quan tâm nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ không chỉ liên quan tới việc vận hành mà cả các dịch vụ phụ trợ khác, sự phát triển của các địa phương khi có đường sắt đi qua...
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng lưu ý, cần quan tâm tới vấn đề cung đường, rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án; thu hút thêm nguồn vốn.
Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.