ĐBQH TRẦN ĐÌNH GIA (Hà Tĩnh):
Rà soát các cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện bảo đảm tính khả thi
Bên cạnh nhất trí sự cần thiết đầu tư chương trình nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người… đại biểu Trần Đình Gia cũng cho rằng: cần tiếp tục rà soát mục tiêu tổng quát để bảo đảm tính bao quát, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, làm cơ sở để quy định các mục tiêu cụ thể.
Về dự kiến nguồn vốn, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các quy định về: nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình; phương án bố trí vốn, tập trung đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, có kế hoạch phân kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp theo thứ tự ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, trọng điểm; không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên.
Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, để công tác phòng, chống ma tuý hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, kinh phí, tăng cường vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp trong công tác phòng, chống ma tuý… Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi; nghiên cứu xác định kỹ về nội dung, thời gian thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Chương trình và thể hiện thẩm quyền ban hành trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các giải pháp về nâng cao hiệu quả cai nghiện ma tuý bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình mới;… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong phối hợp phòng, chống ma tuý; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện chương trình; tăng cường công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thực hiện chương trình.
ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG (Nghệ An):
Lồng ghép nguồn lực, tránh chồng chéo
Liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị: đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy của Chính phủ giai đoạn 2021-2025; từ đó có bức tranh toàn diện hơn, làm cơ sở để xây dựng mục tiêu tổng quát, cụ thể đến năm 2030… Đồng thời, cần cân nhắc nâng cao một số chỉ tiêu trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, như: số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm; số trạm y tế cấp xã toàn quốc đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Dẫn số liệu tổng nguồn vốn được Chính phủ đề xuất bố trí Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hơn 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm phần lớn (78,96%), đại biểu cho rằng: cơ cấu này là phù hợp, bảo đảm để thực hiện; giảm áp lực cho những tỉnh còn khó khăn về ngân sách địa phương không có điều kiện bố trí nguồn vốn nhiều cho Chương trình.
Cũng theo đại biểu, bên cạnh hỗ trợ cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy của lực lượng Công an, Hải quan, nên nghiên cứu hỗ trợ thêm đối với hoạt động phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, lực lượng có vai trò rất quan trọng đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới… Đồng thời, cần rà soát lại các chương trình, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống ma túy đang triển khai trên lĩnh vực này phục vụ phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm về ma túy để lồng ghép vào sẽ hợp lý hơn.
Đồng tình với một số ý kiến cho rằng hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đều có các tiểu dự án liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, trong đó có mục tiêu phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội... đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị rà soát, lồng ghép bố trí nguồn lực và tránh chồng chéo.