Thực tế, nhà lãnh đạo 77 tuổi của Brazil ban đầu có kế hoạch thăm Bắc Kinh vào tháng trước, song ông phải nằm viện vì có triệu chứng viêm phổi. Đầu tuần này, Văn phòng tổng thống Brazil thông báo, chuyến thăm được nối lại và mục tiêu của quốc gia Nam Mỹ là “tái khởi động quan hệ của mình với quốc gia vốn là đối tác chiến lược chính kể từ năm 2009”. Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Lula sẽ “đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước lên tầm cao mới, đóng góp cho sự ổn định và thịnh vương của khu vực và toàn cầu”.
Chuyến thăm của Tổng thống Lula tới Trung Quốc cũng được thực hiện chỉ hai tháng sau khi ông bay tới Washington, DC, có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà lãnh đạo này đang muốn tìm cách thiết lập lại quan hệ của đất nước với các đồng minh, mà nhiều trong số đó bị thách thức dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Sau chuyến thăm Trung Quốc, ông dự kiến cũng sẽ tới Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất để thăm cấp nhà nước.
Brazil sẽ sớm tham gia BRI?
Theo các nhà phân tích của cả Brazil lẫn Trung Quốc, hai quốc gia đều có sự chân thành và động lực mạnh mẽ để thúc đẩy thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nỗ lực vượt qua các bất ổn gia tăng trên trường quốc tế.
Brazil là một trong số ít quốc gia chưa tham gia BRI do Trung Quốc đề xuất. Trong khi trả lời câu hỏi về việc liệu chuyến thăm có chứng kiến Trung Quốc và Brazil ký thỏa thuận hợp tác BRI hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “BRI là sáng kiến hợp tác hoàn toàn cởi mở và minh bạch. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế, cùng nhau thúc đẩy hợp tác xây dựng sáng kiến Vành đai và con đường, đồng thời nỗ lực thúc đẩy sự phát triển chung của tất cả các nước”.
Ông Guo Cunhai, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Latin tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định: “Nếu chuyến đi của ông Lula có thể khiến Brazil chính thức tham gia BRI, thì điều đó có nghĩa là sẽ có 22 quốc gia Mỹ Latin chính thức góp mặt ở sáng kiến của Trung Quốc. Nó thực sự có ý nghĩa to lớn, cho thấy sáng kiến được hoan nghênh rất nhiều”.
Năm 2022, Argentina ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ BRI. Nếu Brazil tham gia sáng kiến lần này, điều đó có nghĩa là BRI đã bao phủ hiệu quả các phần chính của Nam Mỹ. “Điều này sẽ mang tính tượng”, ông Guo nói.
Ngoài hợp tác BRI, thỏa thuận giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ được công bố trước đây giữa Trung Quốc và Brazil cũng là tín hiệu quan trọng cho thế giới rằng, với tư cách là hai nền kinh tế lớn đang lên và hai quốc gia BRICS, Trung Quốc và Brazil quyết tâm cùng nhau thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, trong đó có việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại và đầu tư quốc tế…
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Bên cạnh những chủ đề chiến lược trên, các nhà lãnh đạo còn bàn bạc về khả năng triển khai hợp tác về công nghiệp xanh, nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Khi Trung Quốc đang tìm kiếm “chuỗi cung ứng xanh” để kết nối với các quốc gia khác về thương mại nông nghiệp, điều này sẽ mang lại cơ hội lớn cho Brazil. Theo bà Larissa Wachholz, thành viên cao cấp tại Trung tâm Quan hệ quốc tế Brazil, quốc gia Nam Mỹ có rất nhiều công nghệ giúp lượng khí thải carbon dioxide thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà cũng cho rằng, nếu các công ty Trung Quốc muốn khám phá thị trường Mỹ Latin, họ có thể sử dụng Brazil làm trung tâm sản xuất và phân phối…
Thực tế, phái đoàn Brazil đến Trung Quốc cùng với Tổng thống Lula dịp này gồm nhiều thành phần, từ thống đốc bang, nghị sĩ, bộ trưởng, đến các lãnh đạo doanh nghiệp, những người tìm cách ký kết hơn 20 thỏa thuận song phương với Trung Quốc về nông nghiệp, chăn nuôi, công nghệ, du lịch và lữ hành, cùng nhiều nội dung khác. Xuất khẩu đậu nành, thịt bò và nhiều mặt hàng khác của Brazil sang Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế của nước này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và Tổng thống Lula hy vọng sẽ đa dạng hóa và mở rộng các luồng thương mại đó.
Số liệu của Chính phủ cho thấy, Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm của Brazil trị giá tương đương hơn 89,7 tỷ USD vào năm ngoái và xuất khẩu gần 60,7 tỷ USD sang Brazil, đưa giá trị thương mại giữa hai nước đạt 150,4 tỷ USD. Brazil chủ yếu xuất khẩu quặng sắt, đậu nành và dầu thô sang Trung Quốc, trong khi các thiết bị bán dẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Brazil.
Theo Tổng thống Brazil Lula, thương mại song phương đã “tăng 21 lần kể từ chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc vào năm 2004”. Ông từng phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách là tổng thống Brazil và đã thực hiện hai chuyến thăm chính thức tới đất nước gấu trúc.
Câu lạc bộ hòa bình
Ngoài ra, Tổng thống Brazil Lula đang tìm cách nâng cao vai trò của Brazil trong ngoại giao quốc tế sau thời gian bị cô lập tương đối dưới thời người tiền nhiệm theo chủ nghĩa dân tộc Jair Bolsonaro. Ông dự kiến sẽ nêu ý tưởng với Chủ tịch Tập Cận Bình về “câu lạc bộ hòa bình”, gồm các quốc gia bao gồm Brazil và Trung Quốc để giúp làm trung gian chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Lula đã cử cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của mình tới Moscow để thảo luận về đề xuất đó. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, vai trò của Brazil trong ngoại giao Ukraine vẫn còn khá nhỏ. Cho tới nay, nhà lãnh đạo Brazil luôn chỉ chỉ trích các quốc gia gửi vũ khí thay vì tìm kiếm hòa bình. Và trong lúc cho rằng việc Nga tấn công Ukraine là “sai lầm”, thì ông cũng đổ lỗi cho NATO. Là một người cánh tả kỳ cựu, Tổng thống Lula ưu tiên chính sách đối ngoại ngay từ đầu trong nhiệm kỳ của mình, ủng hộ hội nhập khu vực ở Nam Mỹ và hợp tác quốc tế về các vấn đề như khí hậu, đồng thời tái định vị Brazil như một cường quốc toàn cầu không liên kết. Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira nói với America's Quarterly rằng, Brazil dưới thời Tổng thống Lula có “mối quan hệ tuyệt vời” với Mỹ và “mối quan hệ quan trọng” với Trung Quốc, nhưng không có “sự liên kết tự động” với cả hai cường quốc.
Về phía Trung Quốc, ông Uông Văn Bân cho biết, nước này khuyến khích và ủng hộ mọi nỗ lực của Brazil. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Brazil, để tiếp tục đóng vai trò xây dựng nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, ông nói.
“Chúng tôi rất quan tâm đến việc thúc đẩy hoặc giúp tạo ra cuộc gặp nào đó có thể dẫn đến một tiến trình hòa bình”, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira, nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn. “Tổng thống đã nói rất nhiều lần rằng ông ấy nghe nhiều về chiến tranh nhưng rất ít từ về hòa bình. Ông ấy quan tâm đến các cuộc đối thoại về hòa bình”.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 2 với Biên tập viên Christiane Amanpour của CNN, Tổng Lula, người trong nhiệm kỳ trước đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, khẳng định: “Đây là công việc của tôi, là việc mà tôi phải làm. Tôi bắt đầu bàn bạc với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron qua điện thoại. Tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình, nói chuyện với người Ấn Độ và tất cả các quốc gia. Chúng ta phải có một nhóm người và quốc gia nói về hòa bình”.