Theo số liệu thống kê, đến ngày 31.12.2021, cả nước có 27.342 hợp tác xã, tăng 16.420 hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm 67,03%; hợp tác xã thương mại, dịch vụ chiếm 7,49%; hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,05%; hợp tác xã giao thông vận tải chiếm 6,7%; quỹ tín dụng nhân dân chiếm 4,32%…
Thực tế, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, dù khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng tương lai nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra nhưng chưa đạt hoặc thực hiện chưa đầy đủ như tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp vào GDP cả nước cũng giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020…
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa đạt yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước chưa nắm chắc tình hình phát triển, công tác tham mưu giúp Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể còn hạn chế. Khuôn khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản đối với sự phát triển, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác, chưa làm rõ được sự phát triển từ thấp đến cao của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Chỉ rõ hơn về những hạn chế, bất cập trong 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhiều quy định của luật đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển. Ví dụ còn hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của hợp tác xã như chỉ được duy nhất một người đại diện, giới hạn cứng tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng… Ngoài ra, quy định về kiểm toán, tổ chức quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn chưa thống nhất, chưa được coi trọng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực này cũng chưa hiệu quả và phù hợp…
Bởi vậy, để khu vực này thực sự trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân, cần xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi. Ngoài ra, cần thống nhất và nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể; kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng các mô hình kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, hội nhập kinh tế quốc tế...