Nảy sinh nhiều khúc mắc
Các thế hệ mới đã khuấy động nhiều cuộc tranh luận về việc liệu quy trình bầu cử theo đại cử tri có nên được sử dụng để lựa chọn tổng thống ngày nay hay không. Bởi một hệ thống được tạo ra cách đây hơn 200 năm chắc chắn sẽ tạo ra nhiều khúc mắc trong thế kỷ XXI.
Theo nhiều nhà phân tích chính trị, thứ nhất, nỗ lực bảo đảm các bang nhỏ được đại diện đã dẫn đến việc các bang nông thôn có sự đại diện quá mức. Ví dụ, mỗi phiếu bầu cá nhân ở bang Wyoming được tính gần gấp bốn lần phiếu bầu của mỗi cá nhân ở bang Texas. Điều này là do Wyoming có ba phiếu đại cử tri cho gần 580.000 công dân, trong khi Texas có 32 phiếu đại cử tri cho gần 29 triệu công dân.
Một thực tế khác mà Mỹ gặp phải là mặc dù một ứng cử viên của bên thứ ba không có khả năng giành được chức tổng thống, nhưng họ vẫn có thể ảnh hưởng đến kết quả của toàn bộ cuộc bầu cử. Trở lại năm 2000, ứng cử viên của bên thứ ba đại diện cho đảng Xanh đứng thứ ba về số phiếu phổ thông, với 1,6% ở Florida và 2,74% ở cả nước. Và người ta lập luận rằng, những lá phiếu ở Florida đó có thể làm chao đảo bang từ ứng cử viên Al Gore của đảng Dân chủ sang ứng cử viên George W. Bush của đảng Cộng hòa.
Cử tri đoàn cũng có thể “bóp méo” cách các ứng cử viên tổng thống thực hiện chiến dịch tranh cử vì họ sẽ chỉ chú trọng vào bang nào cần để giành chiến thắng. Trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, cả Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đều tập trung rất nhiều vào các bang còn do dự mà họ biết có thể khiến cuộc bầu cử có lợi cho mình, chẳng hạn như Florida, Arizona, Pennsylvania và Wisconsin. Vì vậy, các mục tiêu chiến dịch và hoạch định chính sách của họ sẽ được đưa ra phù hợp để mang lại lợi ích cho các bang như vậy. Theo các nhà phân tích, trong khi các bang nhỏ hơn được đại diện quá nhiều trong cử tri đoàn, thì các bang chiến trường cũng được ưu tiên nhờ hệ thống bầu cử đại cử tri.
Cải cách bế tắc
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong đại cử tri đoàn liên quan đến hệ thống “được ăn cả, ngã về không” (tức người chiến thắng giành lấy tất cả), vốn thậm chí không được Hiến pháp bắt buộc. Thứ nhất, cách bầu cử này không đại diện cho các nhóm dân số thiểu số như phụ nữ, người da màu, cử tri bên thứ ba và những người trẻ tuổi. Hơn một nửa dân số da đen sống ở miền Nam, và trong số 15 bang ở đó, đảng Cộng hòa đã thắng 12 bang trong cuộc bầu cử năm 2016. Hơn 80% cử tri da đen xác định là đảng viên Dân chủ và phiếu bầu của họ đang trở nên vô nghĩa trong hệ thống bầu cử đại cử tri.
Hệ thống “được ăn cả, ngã về không” cũng có thể làm giảm động lực bỏ phiếu của một người nào đó ở bang không đại diện cho quan điểm chính trị của họ. Chẳng hạn, nếu cử tri nào đó ở một bang truyền thống của đảng Cộng hòa mà bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, họ có thể nghĩ rằng lá phiếu của mình sẽ khó được tính vì dù thế nào các đại cử tri cũng sẽ bỏ phiếu theo một cách khác. Thật không may, mặc dù thực tế là hệ thống bầu cử trên không được Hiến pháp bắt buộc, các bang vẫn chọn gắn bó, vì nó mang lại cho họ nhiều quyền lực hơn trong mỗi cuộc bầu cử.
Thực tế, nhiều nhà phân tích cho rằng, sẽ là rất khó nếu muốn loại bỏ hoàn toàn đại cử tri đoàn vì nó được quy định trong Hiến pháp. Nếu muốn thay đổi phải sửa đổi Hiến pháp. Điều đó có nghĩa là 2/3 thành viên Thượng viện, 2/3 thành viên Hạ viện và 3/4 tiểu bang sẽ cần phải ủng hộ việc bãi bỏ nó. Trong khi đó, quan điểm trên khó có thể được các bang nhỏ hơn hoặc bang mà đảng Cộng hòa chiếm ưu thế chia sẻ, vì vậy, theo một nghĩa nào đó, cải cách đang mắc kẹt.