1. Lừa đảo mua sắm trực tuyến
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, mua sắm trực tuyến là một cách thuận tiện và nhanh chóng để mua hàng. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng làm phát sinh một loại gian lận mới: lừa đảo mua sắm trực tuyến. Đối tượng lừa đảo thường đóng giả làm người mua hoặc người bán trên các thị trường trực tuyến.
Với vai là người bán hàng, những kẻ lừa đảo thường lập các cửa hàng trực tuyến giả mạo để trà trộn bán hàng giả trên các thị trường. Đối tượng lừa đảo thường dụ dỗ khách hàng bằng các mức giảm giá sâu hoặc các mặt hàng khó tìm và khi được người mua thực sự quan tâm liên hệ, các đối tượng này sẽ gửi một liên kết hoặc mã QR dẫn nạn nhân đến một trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin ngân hàng và thông tin cá nhân. Các đối tượng cũng có thể gửi các liên kết tải xuống hoặc mã QR cho một ứng dụng phần mềm độc hại.
Cơ quan cảnh sát khuyến cáo người dân nên lưu ý đến những yếu tố bất thường chẳng hạn như giá quá ưu đãi hoặc yêu cầu phương thức thanh toán khác thường.
2. Lừa đảo tình cảm
Với sự phát triển của mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò tràn lan, việc tìm kiếm đối tượng hẹn hò chưa bao giờ dễ dàng như thế... và cũng nguy hiểm như thế. Những vụ lừa đảo tình cảm với thủ đoạn đóng giả đối tượng hẹn hò tiềm năng đang gia tăng. Những vụ lừa đảo này nhắm vào những người cô đơn và dễ bị tổn thương, lợi dụng mong muốn chia sẻ và đồng hành của họ.
Những kẻ lừa đảo thường tạo ra các hồ sơ hấp dẫn trên các trang web hẹn hò hoặc nền tảng truyền thông xã hội với hình ảnh và thông tin hấp dẫn. Chúng nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với mục tiêu và dần dần tạo dựng niềm tin. Một khi đã chiếm được lòng tin của nạn nhân, chúng sẽ bịa ra nhiều tình huống khẩn cấp về tài chính, từ khủng hoảng y tế đến các dự án kinh doanh thất bại, thuyết phục nạn nhân chuyển tiền cho chúng.
Vì vậy, cơ quan cảnh sát cảnh báo người dân tuyệt đối cảnh giác trước bất kỳ yêu cầu chuyển tiền từ một người mới tìm hiểu; đồng thời cần tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè hoặc gia đình trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính quan trọng nào.
3. Lừa đảo mạo danh
Đây là thủ đoạn rất phổ biến hiện nay khi những kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên cơ quan Chính phủ, cảnh sát hoặc ngân hàng. Họ có thể gửi cho bạn tin nhắn văn bản, tự nhận là từ ngân hàng hoặc cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản hoặc mã PIN của bạn, với những lý do như bưu kiện bị tịch thu, cáo buộc phạt tiền hoặc tương tự cần được xử lý ngay lập tức.
Các đối tượng lừa đảo cũng có thể nhắn tin mạo danh một người mà bạn không hề nghi ngờ, như một thành viên gia đình hoặc bạn bè. Trong những trường hợp này, chúng thường bịa ra những câu chuyện phức tạp về việc gặp rắc rối và cần tiền gấp, lợi dụng tình cảm của nạn nhân để khiến họ không nghi ngờ.
4. Lừa đảo việc làm
Lừa đảo việc làm là một loại lừa đảo đặc biệt tinh vi, lợi dụng vào những nguyện vọng và sự hy vọng của người tìm việc. Trong các trường hợp này, các đối tượng lừa đảo thường có những lời hứa về cơ hội việc làm với mục đích lừa nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền. Ở Singapore, những kẻ lừa đảo việc làm thường đóng giả là các công ty môi giới việc làm cung cấp việc làm lương cao từ các thương hiệu nổi tiếng. Chúng cũng có thể đăng thông tin giả về việc làm trên các nền tảng xã hội để dụ những người tìm việc nhẹ dạ cả tin.
Những kẻ lừa đảo có thể nhắc bạn điền thông tin cá nhân vào các biểu mẫu đáng ngờ thông qua các trang web trực tuyến hoặc ứng dụng độc hại. Chúng cũng có thể yêu cầu bạn thanh toán trước (được cho là sẽ được hoàn trả sau). Các nhà tuyển dụng và công ty tuyển dụng đáng tin cậy sẽ không bao giờ yêu cầu thanh toán như một phần của quy trình tuyển dụng.
Đối với những vụ lừa đảo việc làm tinh vi hơn, nhóm lừa đảo thậm chí có thể trả tiền cho bạn khi hoàn thành một vài nhiệm vụ đơn giản đầu tiên. Khi họ đã chiếm được lòng tin của bạn, họ sẽ yêu cầu thanh toán trước với nhiều lý do trước khi biến mất cùng số tiền của bạn.
Luôn xác minh tính hợp pháp của cơ quan hoặc người sử dụng lao động và không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tiền khi chưa được kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu thấy nghi ngờ, hãy tham khảo thông tin từ nguồn chính thống hoặc từ các cố vấn chuyên nghiệp.
5. Sử dụng phần mềm độc hại
Các đối tượng lừa đảo công nghệ cao hiện nay đã phát triển các phần mềm hoặc ứng dụng độc hại, có khả năng xâm nhập vào điện thoại di động hoặc các thiết bị khác của người dùng thông qua nhiều phương tiện khác nhau, thường là thông qua các tệp đính kèm email, đường link. Sau khi người dùng click vào những tập tin này sẽ bị nhóm lừa đảo giành quyền kiểm soát thiết bị và nhanh chóng đánh cắp thông tin ngân hàng và mật khẩu dùng một lần (OTP).
Các vụ lừa đảo được thực hiện rất tinh vi, khéo léo, khiến nạn nhân dễ dàng điền thông tin cá nhân vào trang web lừa đảo. Các trang web này được thiết kế để sao chép các trang web hợp pháp, chẳng hạn trang web ngân hàng, trang web của Chính phủ hoặc thanh toán trực tuyến. Vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dùng phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng trước khi giao dịch.