Cải cách hành chính thành công chính là nút thắt tháo gỡ cho tinh giản biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. cải cách hành chính vẫn vướng ở các khâu như: Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; việc công khai quy định hành chính và thủ tục hành chính; thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp hay tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lao động, thương binh - xã hội...
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, hiện nay đã có 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, với tổng số dịch vụ cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 549, mức độ 4 là 377 dịch vụ. Như vậy, bộ, ngành nào triển khai tốt dịch vụ công trực tuyến thì bộ, ngành đó có nhiều cơ hội tinh giản biên chế hơn. Khi dịch vụ công trực tuyến chậm trễ, thiếu quyết liệt và dứt điểm, thì tinh giản biên chế “mắc kẹt” trong lý do sử dụng lao động chỉ có tăng không có giảm.
Cải cách hành chính phải đi đôi với xác định vị trí việc làm. Phải xác định rõ từng vị trí công tác với nhiệm vụ, quyền lợi rõ ràng; tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể và số lượng người cần thiết với nguồn tài chính để vận hành tương xứng với nhiệm vụ được giao. Chính điều này giúp cho quá trình lựa chọn nhân sự chính xác, cần thiết, đúng năng lực, đủ số lượng, tránh các hiện tượng tiêu cực “chạy chọt”, “quan hệ”... trong thi tuyển công chức, viên chức.
Điều quan trọng nhất trong cải cách hành chính và tinh giản biên chế chính là xác định đúng nguồn lực tài chính đầu tư cho đơn vị, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được giao. Khi nguồn tài chính cấp cho đơn vị tổ chức được tính toán chặt chẽ cho từng nhiệm vụ; được kiểm soát đánh giá kỹ lưỡng hàng năm sẽ thúc đẩy việc cải cách hành chính và tinh giản biên chế mạnh mẽ. Bên cạnh nguồn chi thường xuyên cần làm rõ nguồn lực tài chính khác như cơ sở vật chất; phương tiện đi lại; hạ tầng thông tin... khi hạch toán và đánh gia mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới tránh được việc ỷ lại từ ngân sách.
Cải cách hành chính phải cương quyết loại loại bỏ tư duy giải quyết việc làm không theo yêu cầu nhiệm vụ. Lao động đang dịch chuyển từ lượng sang chất với công nghệ cao, tự động hóa, người máy... nhằm nâng cao năng suất lao động gián tiếp. Trong quản lý hành chính cũng vậy. Hiện đại hóa, điện tử hóa là xu hướng tất yếu. Vì vậy, việc xây dựng chính quyền điện tử chính là bước đột phá vào tổ chức, sắp xếp lao động, quản lý và điều hành.
Yếu tố cản trở hay tạo nên thành công trong cải cách hành chính, tinh giản biên chế là ở con người; ở sự sáng tạo, ý chí và quyết tâm. Vì vậy, bước tiến trong cải cách hành chính, tinh giản biên chế năm 2018 đặt lên vai người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền các cấp.