Một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam là “trận đầu ra quân giành thắng lợi” trên mặt trận ngoại giao nghị viện. Năm nay tròn 45 năm (21.9.1979 - 21.9.2024) Việt Nam xuất hiện lần đầu tiên đầy ấn tượng tại kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới.
Đấu trí và đấu lý
Ngày 21.4.1979, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) thông qua nghị quyết chấp nhận Quốc hội Việt Nam làm thành viên, công nhận một nước Việt Nam mới, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Đó là kết quả của cả quá trình hình thành và phát triển phong trào rộng rãi các nước ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam. Việc chính thức gia nhập IPU mở ra chương mới trong quan hệ của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội/Nghị viện các nước. Từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế tái thiết đất nước, mà còn ngày càng tham gia tích cực và đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của IPU.
Tuy nhiên, đây cũng là mặt trận ngoại giao nghị viện mà Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam phải đấu trí, đấu lý với các thế lực thù địch trong hoàn cảnh nước ta khi đó đang bị bao vây, cấm vận về kinh tế và cô lập về ngoại giao. Trong đó, vấn đề Việt Nam tại kỳ họp Đại hội đồng IPU-66 năm 1979 (Caracas, Venezuela) là sự kiện điển hình, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm.
Theo quy định của IPU, thông thường, tại mỗi kỳ họp, Đại hội đồng sẽ thảo luận bốn chủ đề và ra nghị quyết về các chủ đề này. Trong đó, ba chủ đề được Đại hội đồng quyết định từ kỳ họp lần trước, chủ đề thứ tư là chủ đề khẩn cấp được xem xét bổ sung vào chương trình nghị sự tại phiên họp toàn thể của kỳ họp. Trưởng đoàn đại biểu Nghị viện Anh đề nghị bổ sung “vấn đề người tỵ nạn Việt Nam” vào chương trình nghị sự để thảo luận và ra nghị quyết. Khi Trưởng đoàn đại biểu Nghị viện Anh vừa phát biểu xong, đại biểu Hungary đã thẳng thắn bác lại: Việt Nam và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã có thỏa thuận nhằm giải quyết tốt vấn đề này ở Geneva và yêu cầu Đại hội đồng bác bỏ kiến nghị của Đoàn đại biểu Anh.
Thực hiện quyền đáp trả của mình, Luật sư Phan Anh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, tuyên bố: Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tham gia Đại hội đồng IPU, mang thiện chí của Quốc hội và Nhân dân Việt Nam mong muốn hợp tác với Nghị viện và nhân dân các nước trên thế giới, theo đúng tinh thần tôn chỉ và mục đích của IPU. Kiến nghị bổ sung của Trưởng đoàn đại biểu Nghị viện Vương quốc Anh đưa ra “vấn đề người tỵ nạn Việt Nam” là một sự khiêu khích. Vấn đề này đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn giải quyết ở Hội nghị Geneva nên không thuộc thẩm quyền của IPU. Nếu thảo luận vấn đề người di tản, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ buộc phải tố cáo những nước phải chịu trách nhiệm đã gây ra chiến tranh, nguồn gốc chính của vấn đề người di tản. Đoàn Quốc hội Việt Nam muốn tôn trọng truyền thống của IPU, tránh gây căng thẳng một cách vô ích. Vì những lẽ đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam yêu cầu Đại hội đồng bác bỏ kiến nghị của Đoàn đại biểu Nghị viện Vương quốc Anh.
Sau lời biện luận đanh thép, có lý có tình của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Đại hội đồng IPU đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết. Kết quả, 382 phiếu thuận, 262 phiếu chống, 298 vắng mặt (không bỏ phiếu); 644 phiếu hợp lệ. Không đạt 2/3 đa số phiếu bầu hợp lệ là 429 phiếu, kiến nghị của Đoàn đại biểu Nghị viện Vương quốc Anh đã bị bác bỏ. Đây là thắng lợi bước đầu rất quan trọng của Quốc hội nước ta và của các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ chân lý.
Trong phiên họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội thảo luận dự thảo nghị quyết về vấn đề “Chăm sóc thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhân dịp Năm quốc tế Thiếu nhi” sau đó, Đoàn đại biểu Nghị viện Đại công quốc Luxembourg đề nghị bổ sung một điểm: “Đặc biệt yêu cầu tất cả các nước trên thế giới góp phần giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về trẻ em tỵ nạn Đông Dương”.
Ngay sau khi Đoàn Luxembourg đưa ra đề nghị bổ sung trong đó nói đến “trẻ em tỵ nạn Đông Dương” là muốn ám chỉ Việt Nam, Luật sư Phan Anh lập tức phát biểu “đập lại”. Tranh luận lại nổ ra tưởng chừng không có hồi kết. Sau đó đại biểu Algeria đã đưa ra sáng kiến đề nghị bỏ hai từ “Đông Dương”, không khí lắng dịu và hội nghị đã biểu quyết tán thành đề nghị của đại biểu Algeria. Các thế lực thù địch định nhân Năm quốc tế Thiếu nhi âm mưu dùng vấn đề trẻ em tỵ nạn để chống Việt Nam nhưng đã thất bại.
Thiện chí hòa bình, hữu nghị và hợp tác
Việc Đại hội đồng IPU bác bỏ kiến nghị của Đoàn đại biểu Nghị viện Anh và Nghị viện Luxembourg là thắng lợi rất quan trọng của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong lần đầu “mang chuông đi đánh xứ người”. Một thành viên mới gia nhập IPU được 5 tháng, bay nửa vòng trái đất từ Đông Nam Châu Á vượt Đại Tây Dương sang cực Bắc của Nam Mỹ ở Tây Bán cầu, vừa chân ướt chân ráo có mặt ở hội nghị đã được một số nghị sĩ phương Tây “chào đón bằng thiện chí thù địch”.
Với kinh nghiệm dày dạn, từng trải qua các cuộc đấu trí, đấu lý của Việt Nam ở Hội nghị quốc tế Geneva và Paris, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã thể hiện bản lĩnh kiên cường và lập trường chính nghĩa của mình nên đã giành chiến thắng. Điều đó khiến nghị sĩ các nước khâm phục và thấy được thiện chí hòa bình, hữu nghị và tinh thần hợp tác của Quốc hội Việt Nam. Đại biểu các nước XHCN, Đông Nam Á và các nước Venezuela, Kenya, Surinam, Senegal, Nepal... đều đồng tình ủng hộ thiện chí xây dựng của Đoàn ta. Bày tỏ khâm phục tài biện luận của Luật sư Phan Anh, đại biểu Mozambique (châu Phi) đã đến bắt tay chúc mừng và nói rằng: “Hôm nay, kẻ cướp la làng đã bị bắt quả tang”.
Qua thái độ mềm mỏng trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và hợp tác, xây dựng nhưng rất kiên quyết đối với những vấn đề có tính nguyên tắc đã tạo vị thế cho Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta trên diễn đàn mới mẻ này. Ta đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước XHCN, các nước thành viên Phong trào không liên kết và lực lượng tiến bộ đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, có thêm nhiều bạn và bớt được kẻ thù.
Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã có ba tham luận tại các phiên họp toàn thể, Luật sư Phan Anh đã lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của các thế lực phản động và bành trướng, đập lại những luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch định lợi dụng “vấn đề người tỵ nạn, vấn đề Campuchia, vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền…” để chống phá ta. Đồng thời nêu rõ thiện chí của Việt Nam đã trải qua nhiều năm đấu tranh chống thực dân, đế quốc nên rất tha thiết với hòa bình, mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Nghị viện và nhân dân các nước trên thế giới.
Nhân dịp này, Luật sư Phan Anh kêu gọi các Nghị viện, Chính phủ và nhân dân các nước giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế thông qua thương lượng, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì quyền tự quyết và độc lập dân tộc của nhân dân các nước Ảrập, Trung Cận Đông, Palestine, Nam Phi, Tây Sahara...
“Trận đầu ra quân giành thắng lợi” trên mặt trận ngoại giao nghị viện là mốc son trong trang sử vàng hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trên trường quốc tế, đánh dấu bước trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.