Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Đoàn Thị Thanh Mai: Khi tính toán nhu cầu sử dụng đất có dự báo về tình hình phát triển kinh tế địa phương chưa?

Báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai cơ bản bám sát yêu cầu đề ra, phản ánh được thực trạng trong triển khai quy hoạch sử dụng đất; cho thấy những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đất đai và ban hành các văn bản quy định liên quan đến Luật này tại địa phương.
Tuy nhiên, đề nghị trong báo cáo cần nêu rõ hơn về đề xuất chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương có gặp khó khăn, thuận lợi gì không và có đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của địa phương hay chưa?
Liên quan đến kết quả thực hiện các phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, theo báo cáo cho thấy, quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 316 (sau một năm so với Quyết định 326). Qua đó, đề nghị báo cáo nêu rõ thêm trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh có thuận lợi, khó khăn gì? Việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thị xã, thành phố có vướng mắc hay không?
Về đề xuất điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030, Lào Cai đề xuất đất nông nghiệp giảm 1.000 ha, đất phi nông nghiệp tăng 1.800 ha và đất chưa sử dụng giảm 800 ha so với chỉ tiêu đã được duyệt tại Quyết định 326 và Quyết định 227. Tôi cho rằng, cần phân tích làm rõ, liệu Lào Cai đã tính toán nhu cầu sử dụng đất và dự báo về tình hình phát triển kinh tế địa phương trong 5 năm tới hay chưa để đưa ra nhu cầu điều chỉnh đất cho phù hợp?
Tôi cũng đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương và đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp nhu cầu sử dụng; có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong quá trình đề xuất điều chỉnh quy hoạch của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài: Còn khó khăn trong dự báo lập quy hoạch, nhu cầu sử dụng đất

Lào Cai xác định việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cả hệ thống chính trị vào cuộc; bảo đảm sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vai trò trong quy hoạch tổng thể của quốc gia.
Tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo quy định, trong đó tập trung vào các nội dung quan trọng, như phát triển quỹ đất đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo hướng đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư; bảo vệ và phát triển đất rừng, đất nông nghiệp gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và sinh kế bền vững cho người dân; bố trí quỹ đất hợp lý cho các dự án trọng điểm như giao thông, công nghiệp, du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển...
Tuy nhiên, trong thực tế, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định, nhất là công tác dự báo trong lập quy hoạch, dự báo nhu cầu sử dụng đất của các huyện, thành phố, thị xã. Lào Cai đã rất chủ động trong việc lập quy hoạch tỉnh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, song, việc kết nối hạ tầng giao thông, kết nối vùng và liên vùng còn hạn chế.
UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương nghiên cứu, tiếp tục phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên...; phân cấp, phân quyền cho địa phương được thực hiện tách việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi thực hiện các dự án nhằm thực hiện nhanh gọn, hiệu quả công tác thu hồi, bồi thường và hỗ trợ tái định cư.
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Thoa: Không điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất xây dựng cơ sở giáo dục có hợp lý?

Tôi rất quan tâm đến các chỉ tiêu sử dụng đất liên quan đến lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo. Qua báo cáo của UBND tỉnh có thể thấy, điều đáng mừng là các chỉ tiêu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn đối với các lĩnh vực này trong thời gian qua đều tăng, đặc biệt chỉ tiêu về xây dựng cơ sở y tế tăng đến 500%. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với việc dành quỹ đất cho các cơ sở văn hóa, xã hội cũng như đầu tư kinh phí, nguồn lực cho lĩnh vực này.
Tỉnh cũng tiếp tục đề nghị điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, tuy nhiên, mới chỉ đề nghị điều chỉnh đối với đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao tăng 100 ha so với chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương mới về phát triển văn hóa, giáo dục như: Kết luận số 91- KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế" đã nêu rõ tới đây sẽ triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ đến 3 tuổi.
Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026 (tháng 9.2025 trở đi). Như vậy, nhu cầu học tập sẽ tăng lên, đặt ra yêu cầu cần có thêm các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số cũng đang được triển khai thực hiện; tỷ lệ người dân tộc thiểu số của tỉnh tương đối cao. Do đó, nếu UBND tỉnh không điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất xây dựng cơ sở giáo dục thì đã hợp lý hay chưa và cần xem xét kỹ lưỡng hơn về nội dung này.
Ý kiến bạn đọc