Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường EU trong 2 tháng đầu năm nay đạt 21 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tháng 2.2024 hầu hết các thị trường trong khối đều giảm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và giảm ở hầu hết các phân khúc sản phẩm.
Hà Lan tiếp tục đứng đầu khối về tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam với 2 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ và giảm 48% so với tháng trước. Giá trị xuất khẩu cá tra sang Hà Lan trong tháng 2 ghi nhận là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây kể từ năm 2022.
Đứng ở vị trí thứ 2 là Đức, tháng 2 thị trường này nhập khẩu từ Việt Nam hơn 1,6 triệu USD cá tra, giảm 55% so với tháng 2.2023. Hai tháng đầu năm nay, lũy kế xuất khẩu cá tra đạt 3,4 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ.
Thực tế, xuất khẩu cá tra sang Đức từ nửa cuối năm 2023 liên tục diễn biến thất thường, có khi chạm đáy 1,4 triệu USD trong tháng 11.2023 sau khi chạm đỉnh hơn 6 triệu USD tháng trước đó.
Bỉ và Bồ Đào Nha cũng không phải là ngoại lệ trong bối cảnh sụt giảm chung của tháng 2.2024 với giá trị lần lượt là 1,1 triệu USD, và hơn 300 nghìn USD giảm lần lượt 26% và 69%.
Tây Ban Nha là thị trường thứ 4 tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU với khoảng 1 triệu USD trong tháng 2, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, 1 số thị trường nhỏ khác hiếm hoi trong khối cũng ghi nhận tăng trưởng dương bao gồm Croatia, Latvia, Rumania lần lượt là 64%, 6%, 4%. Các quốc gia còn lại trong khối EU đều chứng kiến sụt giảm 2,3 con số từ 17% đến 100%.
Nhiều chuyên gia dự đoán 2024 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với mục tiêu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế của EU, bao gồm cả cuộc xung đột Nga - Ukraine và xung đột ở Trung Đông với những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối Liên minh này.
Chính vì vậy, xuất khẩu thủy sản sang EU, trong đó có cá tra, sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường EU.
Doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng trước các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU, từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường này trong thời gian tới.