Theo ông Trương Đình Hòe, thị trường thủy sản toàn cầu đạt giá trị 358,6 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ 3,24% hàng năm, đạt 477,8 tỷ USD vào năm 2032. Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường bao gồm nhu cầu tiêu thụ protein tăng cao, chế độ ăn uống cân bằng ngày càng phổ biến và xu hướng sử dụng thủy sản trong các chuỗi thức ăn nhanh.
Dù năm 2024 dự báo tổng giá trị thương mại thủy sản toàn cầu đạt 180 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2023 do các yếu tố kinh tế, Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023, với các sản phẩm chủ lực như tôm (gần 4 tỷ USD), cá tra (khoảng 2 tỷ USD), và cá ngừ (xấp xỉ 1 tỷ USD).
Mặc dù đối mặt với những thách thức như thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp, nhu cầu phục hồi từ các thị trường lớn như Mỹ, EU cùng với giá xuất khẩu tăng sẽ tạo động lực quan trọng. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp giảm thuế suất, mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng.
Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm nuôi trồng và chế biến thủy sản của Việt Nam, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.
Cụ thể, nguyên liệu phụ thuộc vào chu kỳ nuôi trồng, khoảng 70% nguyên liệu thủy sản xuất khẩu đến từ nuôi trồng, nhưng chu kỳ nuôi kéo dài, phụ thuộc vào thời tiết và biến đổi khí hậu. Điều này khiến việc lập kế hoạch tín dụng trở nên khó khăn.
Khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế, ngành nuôi trồng phát triển trên cơ sở kinh tế hộ gia đình và hợp tác xã. Các mô hình trang trại lớn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sự phụ thuộc vào tín dụng phi truyền thống. Điều này làm tăng chi phí, rủi ro và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Doanh nghiệp chế biến đối mặt với áp lực tài chính, với đặc thù hàng hóa đông lạnh có thời gian lưu trữ ngắn, chi phí nguyên liệu cao, các doanh nghiệp chế biến thường giảm tối đa tồn kho và lựa chọn vay ngoại tệ với lãi suất thấp để duy trì sức cạnh tranh.
Về giải pháp tín dụng cho ngành thủy sản để thúc đẩy tín dụng hiệu quả cho ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe đề xuất các nội dung sau:
Chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu nguồn tín dụng với lãi suất phù hợp, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu theo thời vụ thu hoạch. Đồng thời, xây dựng chính sách phân bổ tín dụng linh hoạt, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Phát triển thị trường trái phiếu cho ngành nông sản, một thị trường trái phiếu lành mạnh sẽ tạo thêm nguồn vốn dài hạn bên cạnh thị trường chứng khoán, đặc biệt cho phát triển nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản.
Hỗ trợ tín dụng cho các hộ dân vùng khó khăn, Ngân hàng chính sách cần triển khai chương trình tín dụng phù hợp cho các hộ dân ở vùng khó khăn, thúc đẩy sản xuất, gia tăng nguồn cung hàng hóa, cải thiện điều kiện kinh tế và xã hội.
Với sự hỗ trợ của các chính sách tín dụng kịp thời, cùng sự phục hồi của thị trường toàn cầu, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để duy trì vị thế trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời, sự ổn định và cải thiện sản xuất trong nước sẽ là yếu tố then chốt giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.