Báo cáo do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê thực hiện.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) hiện đưa ra hai phương án cho lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng bia. Phương án 1 (PA1): Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Phương án 2 (PA2): Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá PA1, PA2 nêu trong dự thảo Luật và Phương án 3 (PA3) Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát đưa ra: tăng thuế từ 2027, mức tăng 5%, 2 năm tăng một lần, đến năm 2031 đạt thuế suất 80%.
Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM, cho biết với PA1, giá trị tăng thêm của ngành bia giảm 8% trong năm 2026; với PA2 sẽ giảm 11% năm 2026 và với PA3 sẽ giảm 7,2% năm 2027.
Cộng dồn từ năm 2026-2030, PA1 sẽ làm giảm hơn 44.000 tỷ đồng giá trị tăng thêm của ngành bia, PA2 giảm hơn 61.000 tỷ đồng và PA3 cộng dồn từ 2027 đến 2031 giảm hơn 38.000 tỷ đồng.
Về tác động tới tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, PA1 cộng dồn từ 2026 đến 2030 sẽ giảm tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế hơn 10.000 tỷ đồng; PA2 giảm hơn 13.500 tỷ đồng; PA3 giảm hơn 6.500 tỷ đồng, ít tác động tiêu cực tới ngành bia và các ngành khác trong nền kinh tế.
Về tác động tới người lao động, PA1 khiến thu nhập của người lao động giảm hơn 3.400 tỷ đồng, PA2 giảm 4.600 tỷ đồng và PA3 giảm 2.200 tỷ đồng.
Về tác động tới ngân sách nhà nước, PA1 làm tăng thuế gián thu (thuế sản phẩm) cộng dồn từ 2026-2030 là 6.469 tỷ đồng nhưng thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) lại giảm 1.320 tỷ đồng nên tổng thu thuế chỉ là 5.149 tỷ đồng. PA2 tăng thuế gián thu 8.559 tỷ đồng, giảm thuế trực thu 1.752 tỷ đồng, tổng thu 6.807 tỷ đồng. PA3 cộng dồn 2027-2031, tăng thuế gián thu 4.186 tỷ đồng, giảm thuế trực thu 856 tỷ đồng, tổng thu 3.330 tỷ đồng.
Theo nhóm nghiên cứu, cả 3 phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng nnhưng nguồn thu ngân sách từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.