Nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất giàu tiềm năng về tự nhiên và con người. Trải dài trên diện tích 40.577km2 với dân số trên 20 triệu người, đây là một vùng kinh tế trọng điểm, là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh... của cả nước. Nơi đây chiếm tới 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản, đồng thời là địa bàn cung cấp nguồn nhân lực chính cho vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản…
Với vị trí, vai trò quan trọng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL. Ngành ngân hàng cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng.
Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, kết quả triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng.
Đơn cử, cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với hợp tác xã còn thấp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khó tiếp cận vốn tín dụng; dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị chưa có nhiều chuyển biến.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, xem xét cho vay, quản lý khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như: chi phí quản lý khoản vay cao do các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đa phần nhỏ lẻ, số lượng khách hàng lớn, phân tán trên địa bàn rộng; tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp, nông thôn là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá; đối với tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030: Vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa.
Đến năm 2045: Vùng ĐSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm…
Thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực
Việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, cần tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư; hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Trước bối cảnh đó, ngày 18.11, tại TP. Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững” với sự tham dự của gần 300 đại biểu gồm: Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT); Bộ Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam…
Cùng dự có nhiều ĐBQH, lãnh đạo UBND, Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL; hiệp hội ngành hàng; chuyên gia kinh tế - tài chính; cơ quan báo chí.
Dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ NN-PTNT; Bộ Công Thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND TP. Cần Thơ; Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch (ĐBQH Khóa IX, XII, XIII); Lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân, hội thảo sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và toàn diện về các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp cũng như kết quả cung cấp tín dụng cho ĐBSCL nói chung và cho các ngành hàng nông sản chủ lực nói riêng trong thời gian qua.
Đánh giá kết quả triển khai cũng như những hạn chế, bất cập của các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện hành, đặc biệt là Nghị định 55/2015/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung; Chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; Chương trình tín dụng 15 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL như: lúa gạo, thủy sản; cũng như những khó khăn, thách thức của ngành ngân hàng trong việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng.
Thảo luận, đề xuất sửa đổi các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới; các giải pháp thúc đẩy tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL từ 3 phía: Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.