Vì sao còn băn khoăn?
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào sáng mai, 22.11.
Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml (nước giải khát có đường) vào diện đánh thuế với thuế suất 10%. Chính sách này nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân, hạn chế tiêu dùng đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp băn khoăn về đề xuất này, trước hết vì nó không thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa và giảm các bệnh béo phì và tiểu đường.
Từ góc độ y tế, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, bệnh béo phì và tiểu đường do nhiều nguyên nhân gây ra, chứ không phải chỉ có đồ uống có đường. Trong đó có thể kể tới: chế độ dinh dưỡng không phù hợp; thói quen ít vận động, “lười” tập thể dục; sử dụng màn hình điện tử thường xuyên hay thiếu ngủ.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa chất béo hay hàm lượng muối cao cũng có thể gây ra các bệnh như thừa cân, béo phì hay tim mạch.
Nghiên cứu về thói quen ăn, uống của học sinh ở độ tuổi từ 6 -15 do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện năm 2018 cho thấy: không có mối liên hệ biện chứng giữa việc tiêu thụ nước giải khát và tỷ lệ thừa cân, béo phì.
Cụ thể, học sinh khu vực nông thôn tuy tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn nhưng lại có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh ở khu vực thành thị. Lý do là chế độ ăn ở trẻ em khu vực nông thôn ít chất béo, chất đạm hơn, đồng thời trẻ em nông thôn cũng vận động nhiều hơn trẻ em thành thị.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và báo cáo của Nielsen tại Việt Nam, lượng đường tự do từ đồ uống có đường chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng số năng lượng được đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống. Điều này có nghĩa nếu có sự lạm dụng đường trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt thì phần rất lớn là đến từ các nguồn thực phẩm có chứa đường khác.
Xét trên khía cạnh kinh tế, việc áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường không làm tăng thu ngân sách như kỳ vọng, đồng thời có thể gây tác động tiêu cực chung đối với toàn nền kinh tế.
Báo cáo mới công bố gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế 10% thì thu ngân sách từ thuế gián thu năm đầu tiên 2026 sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2027 trở đi, thu ngân sách từ thuế gián thu sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm, cùng với đó là nguồn thu từ thuế trực thu cũng tiếp tục giảm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng.
Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế
Ở góc độ khác, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu -Nước giải khát Việt Nam, cho rằng, dự thảo Luật căn cứ vào Tiêu chuẩn Việt Nam để xác định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa đầy đủ và toàn diện, bởi Tiêu chuẩn Việt Nam không phải là cơ sở trong công tác xây dựng pháp luật.
Hơn nữa, Tiêu chuẩn Việt Nam hiện áp dụng cho cả đồ uống có lợi cho sức khỏe, nước uống thể thao – các nhóm sản phẩm này dự kiến bị áp thuế, trong khi các loại đồ uống và thực phẩm khác chứa lượng đường thậm chí còn cao hơn lại không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bình luận về việc điều chỉnh chính sách thuế, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh nguyên tắc của việc đánh thuế là cần bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cũng cho rằng cải cách chính sách thuế giai đoạn 2025 - 2026 cần hướng tới khuyến khích tiêu dùng nội địa; tính tới rủi ro của doanh nghiệp; rủi ro lạm phát trong ngắn hạn.
Nhấn mạnh nước giải khát có đường có chuỗi cung ứng rất sâu, dài liên tục từ khâu nguyên liệu tới khâu sản xuất sau đó liên quan tới khâu dịch vụ, bán lẻ, ăn uống, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị, phải cất nhắc, tính toán kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng mạnh đến người lao động trong chuỗi.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, với áp lực chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác. Do vậy, việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cần phải đánh giá tác động toàn diện, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách, đề từ đó cân nhắc việc quy định cũng như thời điểm áp dụng chính sách cho phù hợp.