Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, giai đoạn 2021 - 2024, sản xuất công nghiệp trên địa phương đã bám sát chủ trương, chính sách, quy định về phát triển công nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường. Công nghiệp sẽ đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm, cao gấp 1,6 lần bình quân cả nước.
Ông Lê Khắc Bảo, Phó Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho biết, địa phương đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, thu hút được không ít dự án với vốn đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Ngành công nghiệp hỗ trợ tại thành phố trong thời gian qua đã phát triển mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử với sự hiện diện của các nhà máy hỗ trợ từ Tập đoàn LG. Bên cạnh đó, lĩnh vực cơ khí ô tô cũng đang thu hút nhiều đầu tư. Điều này khẳng định rằng, sự phát triển của công nghiệp Hải Phòng đang đi đúng hướng, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố cũng như các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành.
Đặc biệt, ngành công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng từ 45 - 46%; chỉ số phát triển công nghiệp từ năm 2019 đến nay luôn duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Đến nay, trong tổng số 28,9 tỷ USD vốn FDI vào thành phố, hơn 50% vốn được đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính và khoảng 22,3% cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy.
Theo ông Lê Khắc Bảo, việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với các chương trình khác của thành phố cũng có những điểm thuận lợi. Trong đó phải kể đến yếu tố về hạ tầng phát triển, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp hình thành nhiều ý tưởng để cải tiến sản xuất.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Đại diện Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho biết, khó khăn chính mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải là khả năng tài chính còn hạn chế; công nghệ thiết bị và năng lực quản trị doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn tại Hải Phòng. Ngoài ra, quy mô của nhiều doanh nghiệp còn nhỏ, chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp lớn.
Cùng với đó, chất lượng đội ngũ lãnh đạo và nhân sự trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang còn yếu. Hơn nữa, mặt bằng sản xuất kinh doanh vẫn còn thiếu, ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để khắc phục những khó khăn trên, Sở Công Thương Hải Phòng đã tham mưu cho thành phố tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ, bao gồm: Phát triển hạ tầng, đặc biệt là mở rộng các khu và cụm công nghiệp trên địa bàn; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xử lý công việc hành chính; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Lê Khắc Bảo, Sở Công Thương cũng đang đề xuất một số nội dung ràng buộc đối với các doanh nghiệp lớn khi đến thành phố, như yêu cầu về chuyển giao công nghệ hay tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất.
Mục tiêu là thực hiện theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Hải Phòng, bảo đảm 60% sản phẩm công nghiệp được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, định hướng thu hút công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có vai trò dẫn dắt và bảo đảm tiêu chí về chất lượng, hiệu quả phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ.
Để thực hiện những nội dung này, song song với việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước trong các lĩnh vực, như chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cũng đề xuất, Bộ Công Thương hỗ trợ về một số nội dung cụ thể, như nghiên cứu thành lập 1 trung tâm phát triển công nghiệp, hoặc trung tâm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố.
Theo các chuyên gia, trong quá trình quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, cần định hướng phát triển các cụm chuyên ngành và cụm liên kết ngành; đặc biệt là các mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mặt khác, cần có thêm một số chính sách liên quan đến đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực để hỗ trợ cho địa phương.
Hiện tại, Hải Phòng cơ bản đã có những chính sách nhằm thu hút lao động, như chính sách xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển hiện nay, trong tương lai gần, cần có thêm một số cơ chế hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.