Lâu nay, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã trở thành gánh nặng của cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù, có những lĩnh vực, chứng chỉ, bằng cấp chỉ là có cho đủ thủ tục. Tuy vậy, đó lại là yêu cầu bắt buộc, nếu không có, người tham gia dự tuyển, hay xét tuyển coi như bị loại từ khâu xét duyệt hồ sơ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chạy” văn bằng, “chạy” chứng chỉ. Có cung ắt có cầu, vô hình trung, biến chứng chỉ, bằng cấp trở thành một thứ hàng hóa. Bên cần đi mua, bên có thì đi bán. Thậm chí, cơ sở chưa đủ điều kiện để đào tạo, cấp bằng thì làm giả để bán, bất chấp quy định của pháp luật chỉ vì lợi ích trước mắt.
Cũng bởi, những tấm văn bằng, chứng chỉ ấy đôi khi chỉ có ý nghĩa đối phó cho đủ thủ tục nên không ít người đã nhắm mắt làm liều bỏ tiền thật, mua bằng giả. Tình trạng văn bằng, chứng chỉ giả cũng vì thế mà trở thành vấn đề gây bức xúc xã hội. Người mua, sử dụng bằng giả vô hình trung làm mất đi cơ hội cho những người học và nghiên cứu nghiêm túc.
Câu hỏi đặt ra là, những người mua bằng giả thì sẽ phải xử lý như thế nào? Kết quả của những cuộc xét tuyển, thi tuyển viên chức, xét tuyển nghiên cứu sẽ xử lý như thế nào khi những người này đã sử dụng bằng Tiếng Anh giả?
Liên quan đến xử lý trách nhiệm đối với người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, Điều 12 của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định rõ, áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nếu sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ. Điều 13, Điều 19 của nghị định này cũng quy định: Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức nếu có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngoài ra, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 08/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với người dự tuyển tiến sĩ, thì văn bằng, chứng chỉ về trình độ ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc trước khi xét tuyển. Do đó, đối với những trường hợp sử dụng văn bằng giả để dự tuyển thì cần phải thu hồi, hủy bỏ bằng tiến sĩ.
Không chỉ xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị xem xét để xử lý hình sự. Trong trường hợp chứng minh được những người mua biết các văn bằng, chứng chỉ đó là giả nhưng vẫn sử dụng thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
Khi xác định người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý về việc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, họ nhận thức được hành vi không qua xét tuyển, không qua đào tạo nhưng vẫn được cấp bằng là trái pháp luật hoặc vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả đó vào mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân để đạt được mục đích của bản thân thì phải xử lý hình sự. Với tội danh này, người phạm tội có thể đối diện với 3 khung hình phạt: Khung cơ bản có hình phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm; có thể chịu mức phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tùy mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Chế tài đối với việc sử dụng giấy tờ giả, trong đó có văn bằng, chứng chỉ giả đã có, kể cả xử lý kỷ luật cũng như xử lý hình sự. Việc xử lý người làm bằng giả, chứng chỉ giả trong trường hợp này vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhiều đối tượng đã bị khởi tố. Cùng với đó, những người mua, sử dụng bằng giả phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như vậy, mới tránh tình trạng văn bằng, chứng chỉ thật - giả lẫn lộn như thời gian qua.