Mới đây, sau khi có sự phản ánh của báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Hà Nội kiểm tra, xử lý 2.000ha dự án đô thị đang bị bỏ hoang ở Mê Linh. Trong khi đất đai là tài nguyên quý giá, việc bỏ hoang hàng nghìn hecta xảy ra ngay tại nơi đất chật, người đông như Hà Nội là một sự lãng phí quá lớn. Tiếc rằng, công trình bỏ hoang như ở Mê Linh không phải là cá biệt.
Các công trình “đắp chiếu” đã trở thành vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Đang tồn tại một thực tế hết sức phi lý, đó là trong lúc ngân sách như “một chiếc chăn hẹp”, kéo chỗ này, hở chỗ kia thì vẫn xảy ra tình trạng những công trình xây dựng trăm tỷ, nghìn tỷ để hoang. Lỗi do quy hoạch, do thiếu tính toán khi đầu tư xây dựng hay đó là hậu quả của việc bị “thổi giá” quá đà ở những nơi được quy hoạch nội đô? Ai là người phải chịu trách nhiệm về những công trình lãng phí này? Những công trình này sẽ được xử lý ra sao dường như vẫn chưa có được giải pháp mang tính khả thi.
Khi phân tích về bức tranh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã nêu băn khoăn của cử tri rằng còn rất nhiều công trình đầu tư bằng tiền ngân sách, hoặc huy động từ những vốn đầu tư khác nhưng có một phần vốn ngân sách vẫn “đắp chiếu”. Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải cũng thẳng thắn điểm tên những công trình bỏ hoang. Đó là, công trình ký túc xá 700 tỷ xây dựng dở, bỏ hoang ở phường Hiệp Hòa, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Công trình này, trước đây xây dựng nhà ở cho công nhân, tuy nhiên, từ năm 2012 - 2014 lại đổi sang xây dựng ký túc xá, nhưng cho đến nay công trình này vẫn bỏ hoang. Không chỉ ở Đà Nẵng, ngay giữa Thủ đô Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng tương tự, đó là ký túc xá Pháp Vân, Tứ Hiệp, Hoàng Liệt, Hoàng Mai. Công trình được xây dựng và đánh giá là một trong những ký túc xá hiện đại nhất của Thủ đô với quy mô khoảng 22.000 sinh viên, nhưng cho đến nay tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 35%.
Không chỉ có những công trình lãng phí mang tên ký túc xá, những công trình về nước sạch cũng rơi vào tình trạng tương tự. Thực tế đã xảy ra tình trạng người dân thì “khát” nước bên cạnh những dự án nước sạch tiền tỷ, trong đó có những công trình như ở Bình Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… Điều đáng nói là, khi triển khai thực hiện các dự án nước sạch, một số công trình có thể do khảo sát không kỹ nên khi xây dựng không có nguồn nước, hoặc không có nguồn điện để bảo đảm cung cấp, để bơm nước. Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải cho rằng, nhìn những dự án đó rất “xót ruột”. Tiếc rằng, trong báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình bày trước UBTVQH lại chưa điểm tên những công trình lãng phí này.
Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với cảm giác “xót ruột” của Trưởng ban Dân nguyện, bởi người dân phải đóng từng đồng thuế cho ngân sách và họ mong muốn những đồng thuế ấy phải được sử dụng, đầu tư một cách hiệu quả. Người dân nghèo chưa được tiếp cận tốt với dịch vụ nhà ở, nông dân thiếu đất để sản xuất bên cạnh dự án nhà ở nghìn tỷ bỏ hoang. Người dân vẫn cứ “khát” nước bên những công trình nước sạch tiền tỷ phơi không. Do đó, sự bức xúc về sự lãng phí đầu tư của nhân dân và dư luận là điều không thể tránh khỏi.
Tình trạng này chỉ được khắc phục khi chúng ta thẳng thắn nhìn vào thực tế. Mỗi địa phương cần thấy được trên địa bàn mình còn bao nhiêu công trình bỏ hoang. Trên cơ sở yêu cầu và khả năng của địa phương để tìm phương án xử lý hợp lý, có thể chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng để phát huy hiệu quả của những công trình bỏ hoang này. Việc đưa ra phương án xử lý phải được công bố công khai, minh bạch để cho người dân giám sát. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm trách nhiệm những người đã đặt bút ký phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án gây lãng phí. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân được xử lý nghiêm thì mới chấm dứt tình trạng “nhắm mắt ký bừa” vì lợi ích cá nhân nào đó.